Tại nhiều chợ cân 'mù' (không tem kiểm định, có tem nhưng hết hạn dùng, không niêm chì, niêm chì dỏm…) vẫn sử dụng vô tư. Thậm chí cân 'mù' còn được dùng để đối chiếu kết quả, dùng để giải quyết tranh chấp 'nghi án' cân gian!

Tại chợ Tân Định (Q.1), khi thấy cô Hoa, cán bộ quản lý chợ kiểm tra, tiểu thương một sạp thực phẩm khô cầm cân “mù” vào cất, với lý do “cân này cũ, em không dùng nữa”. Tương tự, sạp thực phẩm khô T.H dùng chiếc cân “mù” cũ nát, niêm chì đã bị đổi, dấu hiệu bị “mổ xẻ” rất rõ ràng. Chủ sạp này cũng phân trần: “Cân mua sao dùng vậy, em đâu có biết niêm tem gì”.

Thực trạng này cũng diễn ra tại chợ Bến Thành (Q.1). Một quầy kinh doanh thực phẩm tươi sống sử dụng 4 chiếc cân, PV Thanh Niên phối hợp ban quản lý chợ kiểm tra ngẫu nhiên 3 chiếc thì cả 3 đều cân “mù”. Một chiếc không có niêm chì, tem kiểm định không còn đọc được thông tin; một chiếc có niêm chì nhưng niêm cũ không nhìn thấy gì, cũng không có tem kiểm định; một chiếc không có niêm chì lẫn tem kiểm định. Chủ sạp hàng này phân bua: “Có thể do người bán hàng làm mạnh tay quá nên cân sút mất niêm chì và tem kiểm định”.

{keywords}

Tại một sạp kinh doanh trái cây ở chợ Thái Bình (Q.1), chủ hàng sử dụng cân có niêm chì dỏm và tem kiểm định hết hạn từ giữa năm 2010. Chị chủ sạp cho biết: “Cân mua sao về bán vậy, chưa nghe ai phản ánh gì”. Ông Trần Tuấn Thuận, bảo vệ chợ, cho biết thỉnh thoảng người dân cân đối chiếu và có phát hiện cân thiếu, người mua và người bán tự thỏa thuận. Nếu không được ban quản lý sẽ can thiệp.

Đặc biệt, khảo sát cân mẫu tại 4 chợ thì có đến 3 chợ cân bị “mù”. Chiếc cân mẫu đặt tại chợ Thái Bình “rụng” mất niêm chì, tem kiểm định cũ không đọc được thông tin. Chiếc cân mẫu đặt tại chợ Bà Chiểu cũng đã hết hạn từ tháng 3.2013. Tương tự, cân mẫu chợ Bến Thành đặt ngay ngắn trên bệ, nhưng cũng đã hết hạn từ tháng 8.2012. Cán bộ ban quản lý chợ phân bua: “Cân mẫu này do Công ty Nhơn Hòa cho chợ làm mẫu nên nói thật chúng tôi không đưa đi kiểm định. Vì đem cân đi kiểm định không khéo họ nói chúng tôi không tin tưởng. Nếu cân sai lệch công ty chịu trách nhiệm. Tôi sẽ rút kinh nghiệm và báo ngay cho công ty đổi cái khác”.

PV đã cùng cán bộ một ban quản lý chợ thử cân gói đường 1 kg tiểu thương cân sẵn, cân mẫu cho kết quả lên đến... gần 1,1 kg.

Đủ chiêu cân gian bán lận

Ông Lê Trọng Hiệp, Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa, kể công ty từng bị đối tác phản ánh, hàng luôn thiếu cân nhưng không phát hiện nhân viên gian lận. Khi cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, cầm lắc chiếc cân nghe tiếng “lục cục”, phát hiện bên trong cân bị nhét đoạn cáp điện to, làm sai lệnh cân, ăn bớt thép. Chiêu này gian lận tinh vi, khó bắt quả tang, có thể “ăn” được 10 - 20 gr/100 gr.

Trong vụ này thủ kho chủ mưu đã bị xử lý. Cũng thủ đoạn này, người bán chuối dạo đã nhét cây tăm vào lỗ thông nước trong cân, gây lực cản làm cân sai lệch. Cách này đơn giản, nếu lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ cân chỉ cần rút cây tăm ra là xóa sạch dấu vết.

Cũng đã có trường hợp công an bắt quả tang thương lái dùng chiếc cân độ lắp thêm lò xo, gắn động cơ xe hơi, bình ắc quy, điều khiển từ xa khoảng 5 - 10 m, chiêu này rất khó phát hiện và “ăn” rất thô bạo từ 5 - 6 kg/100 kg.

Bà Lê Thanh Huyền, cán bộ quản lý chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết người dân mua hàng và dùng cân mẫu ở chợ đối chiếu, thỉnh thoảng phát hiện cân gian đã liên hệ khiếu nại nhưng do mua hàng ở xe đẩy bên ngoài nên chính quyền địa phương xử lý.

(Theo Thanh Niên)