Xếp hạng 99 về hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều hiện nay, nếu các thủ tục hành chính bớt rườm rà, phức tạp.
Ông Olin McGill, chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã nói như vậy khi phân tích về các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam.
Quá nhiều chi phí phụ
Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán dựa trên số liệu năm 2012, xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm các nước có thứ bậc từ 91 đến 120. Với mức này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt được là 1.400 USD.
"Việt Nam đáng lẽ phải nằm trong nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình 7.000 USD nhưng thực tế không phải như vậy. Nguyên nhân chủ yếu do điều hành không hiệu quả", ông Olin McGill nói.
Điều hành kém, hệ thống hành chính cồng kềnh, thí dụ biểu hiện qua thời gian nộp thuế. Hiện mỗi doanh nghiệp phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm. "Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới hơn 800 giờ là rất nghiêm trọng", ông McGill nói.
Thêm vào đó là chi phí thương mại qua biên giới cũng gây tốn kém trong khi nhập hay xuất khẩu bị "tắc" lại một ngày sẽ ảnh hưởng 1% tới tổng kim ngạch của Việt Nam. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại.
Đáng ra thu nhập bình quân của người Việt Nam phải là hơn 7.000 USD thay vì 1.400 USD như hiện nay |
Không chỉ vậy, tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho các doanh nghiệp cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư. Theo tính toán của USAID, chỉ cần hợp nhất quá trình đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế, cơ quan quản lý có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp một triệu USD.
"Chính phủ không nên hỏi một doanh nghiệp hay một công dân về những thông tin mà họ đã có. Ngoài ra, cần loại bỏ nạn tham nhũng", chuyên gia nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng nếu cải thiện được số ngày thông quan, GDP ước tính tăng 30%. Và nếu lọt vào top 10 nước có chi phí thương mại thấp, sẽ có thêm 3,5 triệu việc làm cho người lao động.
Vì sao dòng vốn ngoại vẫn đổ vào Việt Nam?
Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam được cho là thua kém Thái Lan, Malaysia, Singapore... song thời gian qua dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tuy giảm đến 35,3%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 0,9% cho thấy hiệu quả giải ngân vẫn ổn định.
Lý giải về điều này, PGS.TSLê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong kinh tế học sức cạnh tranh xét về mặt lý thuyết với thực tế có một khoảng rất xa.
Về mặt lý thuyết có nhiều điều thấy hiển nhiên, đó là quản lý có lỗ hổng lớn (thất thoát, lãng phí). Nhưng trên thực tế những người đầu tư cạnh tranh vào phát triển kinh tế họ lại rất quan tâm đến yếu tố khác mà trong kinh tế gọi là Rent Seeking -là yếu tố rất quan trọng để người đầu tư khai thác được để tăng lợi ích của họ lên.
"Tức là thay vì hoạt động thương mại trong sản xuất, nỗ lực thay đổi năng lực thì nhà đầu tư lại chú ý tới yếu tố thao túng làm méo mó thị trường, móc ngoặc với quan chức để tăng lợi ích lên cho họ chứ không phải chỉ có câu chuyện tăng chỉ số cạnh tranh môi trường mà thu hút được đầu tư", PGS Lê Cao Đoàn chỉ thẳng.
Đưa ra ví dụ minh chứng cho nhận định của mình, TS Đoàn chỉ ra hàng loạt dự án FDI được nhà thầu Trung Quốc đổ vốn vào Việt Nam, hay như dự án thép Formosa vẫn đổ vốn lớn dù rằng hiện thép Việt Nam đang tồn kho, bất động sản chết đứng.
"Có nghĩa là người ta đầu tư vào Việt Nam không phải nhằm vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà là tăng năng lực kinh tế thực của họ như tổng lượng vốn, tăng hiệu quả kinh tế của họ từ chính việc lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém...", TS Đoàn nói.
Chính sách thu hút đầu tư kiểu cạnh tranh bằng việc ưu đãi cao, không chú trọng đến việc lan tỏa phương thức sản xuất hiện đại của các dự án FDI nên Việt Nam trở thành nước gia công chính hiệu.
"Dù cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, tham nhũng... nhưng xét cho cùng các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vẫn có lợi vì họ được ưu đãi cao. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng những khe hở của pháp luật Việt Nam để tăng lợi ích của họ bằng cách trốn thuế.Các nước khác họ rất chặt chẽ trong việc hạch toán xanh thì Việt Nam rất kém. Và hậu quả là xong việc doanh nghiệp bỏ tiền vào túi ra về còn chúng ta hứng ô nhiễm cùng với mớ công nghệ lạc hậu", ông Đoàn nhấn mạnh.
Theo PGS Đoàn: "với cách quản lý như hiện nay chỉ khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn mà không móc ngoặc được với nhà nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mấy năm vừa qua chết như ngả rạ. Mấy trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản cho thấy môi trường cạnh tranh quá khó khăn. Số làm ăn được chỉ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi".
Ông Đoàn cũng khẳng định: Trong kinh tế học nếu chỉ chăm chú vào một vài ưu điểm là hiện tượng thì dễ đi đến mắc lừa mà không nhìn ra bản chất. Việt Nam từng hy vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn vốn và một quan hệ nào đó đối với tăng trưởng mà quan trọng là cấu trúc lại nền kinh tế. Làm cho nền kinh tế của mình nhanh chóng được hiện đại hóa.
"Thế nhưng mục tiêu này hiện đang được đánh giá là rất kém. Như thế là mục tiêu tổng quát có tính chất cơ bản và dài hạn là làm thay đổi phương thức sản xuất, nâng trình độ công nghệ của Việt Nam thì lại đạt được rất kém. Tức là nhìn bề ngoài có vẻ nền kinh tế có vẻ hồng hào nhưng thực chất là đang rất ốm yếu", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
(Theo Đất Việt)