Sự phản đối của các nhóm bảo vệ động vật và giới trẻ Hàn Quốc ngày càng yêu thương thú nuôi là các nguyên nhân khiến món thịt chó trở nên "thất sủng" tại Hàn Quốc.
Bà Oh Keum Il, 58 tuổi, là một trong những đầu bếp nổi tiếng Hàn Quốc về món ăn thịt chó khoái khẩu của người dân nước này. Từ khi còn trẻ, bà đã đi khắp cả nước để sưu tập công thức chế biến thịt chó. Thậm chí, bà từng đến Bình Nhưỡng vào đầu thập niên 2000 để tìm hiểu cách chế biến món thịt chó tại Korkyo, một trong những nhà hàng cao cấp nhất tại Triều Tiên.
Nhà hàng thịt chó Daegyo nổi tiếng nhất Seoul của bà Oh mở cửa từ năm 1981 và từng phục vụ hai đời lãnh đạo nước này là cựu Tổng thống Lee Myung-bak và cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Tuy nhiên, hãng AP cho biết quán ăn của bà Oh sẽ phục vụ bữa ăn cuối cùng vào hôm nay 29/8. Sự kết thúc này để lại sự tiếc nuối đối với nhiều người, qua đó phản ánh sự thay đổi sở thích đối với món thịt chó của người dân Hàn Quốc.
"Quan điểm giữa các thế hệ về món thịt chó rất khác biệt. Khách hàng trẻ đến quán ngày càng ít", bà Oh nói, và tiết lộ về dự định mở một quán chuyên các món về bò nướng.
Bà Oh Keum-il chuẩn bị chế biến thịt chó tại nhà hàng Daegyo. |
Tranh luận về chuyện ăn thịt chó luôn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội Hàn Quốc. Trong "3 ngày thịt chó", khoảng thời gian nóng nhất trong năm tại Hàn Quốc, nhiều người dân xếp hàng dài trước các quán thịt chó vì tin rằng món ăn có tính mát và giúp họ giải nhiệt trong mùa hè. Tuy nhiên, ngay bên cạnh đó là những nhà hoạt động bảo vệ động vật thúc giục họ không nên ăn thịt bạn đồng hành trung thành nhất của con người.
Nhà nghiên cứu Moon Jae-suk, 32 tuổi, từng là một người rất thích ăn thịt chó. Theo Moon, giới trẻ ngày nay thích ăn súp gà hơn là thịt chó trong những ngày hè. Ngay cả những người thích ăn thịt chó cũng hạn chế nói về điều này công khai như trước. "Họ e ngại về chuyện mời nhau đi ăn thịt chó giữa chốn đông người", Moon nói.
Đĩa thịt chó tại nhà hàng Daegyo nổi tiếng nhất Seoul hơn 30 năm. Ảnh: AP |
Theo bà Oh, truyền hình ngày nay phát sóng nhiều chương trình chăm sóc thú cưng và vật nuôi trong gia đình khiến giới trẻ thay đổi sở thích với món thịt chó. Hơn nữa, ẩm thực các nước xuất hiện tại Hàn Quốc ngày càng phong phú, mang đến nhiều sự lựa chọn hơn chứ không như thế hệ giai đoạn hậu Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 luôn trong tình trạng thiếu ăn và đói nghèo.
Viện Nghiên cứu kinh tế Nonghyup cho biết ngành kinh doanh thú nuôi đạt lợi nhuận 0,9 nghìn tỷ won trong năm 2012 và có thể đến 6 nghìn tỷ won (5,9 tỷ USD) vào năm 2020. Theo viện này, cứ 5 gia đình thì có 1 hộ nuôi chó hoặc mèo. Chuyện nuôi chó thỉnh thoảng trở thành nguyên nhân cãi vã trong gia đình.
Kim Dong-young, 30 tuổi, nói cô hay bất đồng quan điểm với ông nội vì chuyện thịt chó. "Hễ ông trông thấy con chó ở nhà là ông lại bảo nó đủ lớn để ăn thịt rồi", Kim nói. Gần đây, Kim quyết định không ký vào hợp đồng thuê nhà khi cô phát hiện một quán thịt chó ngay bên dưới.
Dù chưa có số liệu chính thức về tình hình suy giảm trong kinh doanh thịt chó, những người nuôi chó để giết thịt hoặc những nhà cung cấp thịt chó cho các quán ăn đều buồn phiền vì tiêu thụ kém.
Nhà hàng thịt chó Daegyo của bà Oh sẽ đóng cửa sau 33 năm hoạt động vì khách hàng giảm dần. Ảnh: AP |
Gia đình của Shin Jang-gun là đầu mối cung cấp thịt chó hơn hàng chục năm nay. Shin thừa kế công việc kinh doanh của bố từ năm 2002. Danh sách khách hàng của Shin tại Seoul từng lên đến 1.500 nhà hàng và quán ăn. Tuy nhiên, hiện Shin chỉ còn cung cấp cho 700 - 800 điểm. Anh phải tìm cách bỏ mối thêm thịt dê để bù đắp sự thiếu hụt. "Kinh doanh thịt chó không còn là ngành hứa hẹn nữa. Thế hệ trẻ không ăn thịt chó nhiều", Shin nói.
Theo các nhóm hoạt động bảo vệ động vật, mỗi năm người Hàn Quốc tiêu thụ hơn 2 triệu con chó. Họ mô tả loài vật này phải chịu cảnh giết hại đau đớn và tàn nhẫn trước khi trở thành món ăn trên bàn. Choi Young-im, Tổng thư ký hội các trang trại nuôi chó lấy thịt, cho biết thịt vịt đang chiếm ưu thế so với thịt chó trong các thực đơn.
Bà Oh cho rằng việc thịt chó bị "thất sủng" cho thấy giới trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống. "Bây giờ mà có khách hàng trẻ bước vào quán là tôi mừng lắm", bà Oh nói.
(Theo Zing)