- Có thể khẳng định các DN Việt Nam đủ khả năng để sản xuất những chiếc ốc vít đạt yêu cầu do Samsung đặt ra, tuy nhiên giá sẽ cao hơn rất nhiều so với mua từ nơi khác.
Câu chuyện về DN Việt Nam không đủ khả năng sản xuất ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung đã mang đến cái nhìn hết sức bi quan về ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Dẫm chân tại chỗ
Một nguồn tin cho biết, hiện Samsung mua ốc vít của một DN FDI Hàn Quốc với giá chỉ từ 50-60 đồng/chiếc. Với mức giá như vậy, không DN Việt Nam nào có thể cạnh tranh nổi.
Mỗi chiếc điện thoại Samsung cần từ 15-20 ốc vít. Theo kế hoạch, mỗi năm Samsung sản xuất 250 triệu điện thoại tại Việt Nam, số ốc vít đặt hàng lên tới khoảng 5 tỷ chiếc. Chỉ tính lợi nhuận khoảng 10% thì mỗi năm, DN cung cấp cũng thu được 25-30 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ hội này không dành cho các DN Việt Nam.
Cơ hội sản xuất ốc vít cung cấp cho Samsung gần như các DN Việt Nam không tận dụng được (ảnh minh họa) |
Để sản xuất được một chiếc ốc vít với giá thành rẻ và chất lượng tốt như vậy không phải là chuyện đơn giản. Một doanh nhân Việt Nam vừa thăm quan nhà máy sản xuất ốc vít của DN Hàn Quốc nói trên nhận xét, dây chuyền sản xuất của phía Hàn Quốc là tự động hoàn toàn, mọi quy trình sản xuất đều được tối ưu hóa, công nghệ và kinh nghiệm đã được đúc rút từ hàng chục năm mới có. Tất cả những thế mạnh này của họ lại là thế yếu của các DN Việt Nam.
Từ năm 2003, Công ty Ôtô Daewoo (nay là GM Việt Nam) cũng đã tìm đến các DN Việt Nam đặt hàng sản xuất ốc vít. Sau khi sản xuất thử với chi phí mà Daewoo đề nghị, không chiếc ốc vít nào của DN Việt Nam đạt chuẩn. Khi đó, một DN cho hay có thể sản xuất đạt chất lượng của Daewoo nhưng chi phí sẽ cao hơn vì phải đầu tư nhiều, trong khi không được Nhà nước hỗ trợ.
Câu chuyện DN Việt Nam không làm được ốc vít theo đơn đặt hàng không phải chuyện lạ. Chỉ có điều lạ là sau cả chục năm trời, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều và miệt mài đặt mua ốc vít mà vẫn không có DN trong nước nào đáp ứng được. Như vậy cũng có nghĩa là thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã không có sự tiến bộ nào.
Thiếu quan tâm
Đây chính là hậu quả của sự thiếu quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ trong suốt thời gian dài vừa qua. Ông Phan Đăng Tuất, khi còn là Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nhiều lần than thở: Ở các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... , công nghiệp hỗ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam, ngược lại, nó được phát động từ giới nghiên cứu và DN. Ông Tuất cho rằng trong quá xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ đã gặp không ít sự "lạnh lẽo, nghiệt ngã" của những người có trách nhiệm.
Đến nay Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện và chưa được ban hành |
Ông Kyoshiro Ichikawa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty IBC Việt Nam, kể rằng: “Năm 1992, tôi sang Việt Nam làm trong lĩnh vực ôtô có khảo sát mọi người, nhưng chẳng ai biết công nghiệp hỗ trợ là gì. Khi đó, Việt Nam chỉ có một số DNNN sản xuất các thiết bị đồng bộ”.
Năm 2003, khi Tổ công tác về Sáng kiến chiến lược Công nghiệp hóa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản ra đời, công nghiệp hỗ trợ thường xuyên được đề cập trong các phiên họp, tuy nhiên cũng phải 8 năm sau, tức là đến năm 2011 mới đưa ra được kế hoạch hành động.
Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn có cách tiếp cận khác so với Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam thường đề cập tới công nghệ cao nhiều hơn, coi công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất linh kiện. Sau 10 năm hợp tác Việt - Nhật mới đưa ra được định nghĩa thế nào là công nghiệp hỗ trợ, chỉ ra những sản phẩm nào cần công nghiệp hỗ trợ.
Năm 2011, Việt Nam chính thức ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên nó quá chung chung và thiếu sự hấp dẫn. Sau 3 năm triển khai, hiện mới chỉ có 1 DN được hưởng ưu đãi, mà lại là DN FDI chứ không phải DN trong nước. Đến nay Bộ Công Thương lại đang phải soạn thảo lại. Khi các cơ quan chức năng vẫn cứ loay hoay mãi với việc xây dựng chính sách, thì DN sẽ còn phải chờ đợi và thời gian cứ trôi đi mà không có sự tiến bộ nào.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho rằng, sở dĩ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển là được nhà nước đầu tư rất lớn. Thường các nước sẽ đầu tư trở lại 10% số thu ngân sách từ những ngành này để thúc đẩy phát triển.
Với ngành ô tô Việt Nam có đóng góp khoảng 3 tỷ USD/năm vào ngân sách, nếu được đầu tư trở lại 10% thì chắc chắn công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua thu thì có, nhưng đầu tư lại thì không.
Theo ông Huyên, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cần phải có chính sách ưu đãi lớn. Ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Chính phủ cho vay vốn với các dự án công nghiệp hỗ trợ từ 0-3% và tùy từng lĩnh vực ưu tiên như sản xuất ô tô được vay lên tới 100 triệu USD với thời gian 20 năm. Tuy nhiên ngân sách của ta hiện khó khăn, nếu làm như vậy thì lấy tiền đâu ra?
Trần Thủy