- Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai sau Bangkok (Thái Lan), để lại những cảm xúc mãnh liệt bởi đây là xứ sở của chùa chiền, với lễ hội hoa nổi tiếng. Đến đây, bạn đừng quên đi chợ đêm và thư giãn tuyệt đối với mát-xa chân.

Dự tính bay đến Chiang Mai từ Bangkok để tiết kiệm thời gian, nhưng để ngắm phong cảnh tuyệt đẹp hai bên đường, tôi bắt chuyến xe lửa khởi hành lúc 14h30 và đến Chiang Mai lúc 5h35 sáng hôm sau.

Sáng sớm ở Chiang Mai thật tuyệt, trong lành và khá lạnh. Ấn tượng đầu tiên của tôi về “thành phố mới” là thân thiện và vô cùng xinh đẹp. Đẹp từ cảnh quan thiên nhiên hài hòa, đến con người bản xứ và cả những nét văn hóa đặc trưng vùng miền.

Viếng chùa ở độ cao gần 1.700 m

Nếu Thái Lan nổi tiếng là xứ sở chùa tháp thì Chiang Mai chính là kinh đô của xứ sở ấy. Chiang Mai có vô số những ngôi chùa nằm rải rác khắp nơi, đôi khi cách nhau chỉ vài chục mét và chạy dọc khắp một quãng đường dài.

{keywords}
Bình minh ở thành phố Chiang Mai

Tôi hỏi ông chủ khách sạn có tổng cộng bao nhiêu ngôi chùa ở đây nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu cùng nụ cười hiền hậu. Ông bảo không nhớ nổi rồi khuyên tôi nên đi Doi Sethup vì đây là ngôi chùa lớn và được người Thái tôn kính nhất.

Tôi thuê chiếc xe máy và mua một cái bản đồ, sau đó một mình thẳng tiến đến Doi Sethup. Doi Sethup nằm ở lưng chừng núi, đường đèo quanh co và hai bên đường nhiều hoa dại đẹp đến nao lòng.

Nằm ở hướng Bắc và cách thủ đô Bangkok 800km, Chiang Mai từng là thủ đô của Vương quốc cổ Lannathai. Dấu vết còn lại minh chứng một thời vàng son của thành cổ là những vòng thành cùng các đường hào bao quanh lưu lại cho đến ngày nay.

Trong tiếng Thái, Chiang Mai có nghĩa là thành phố mới. Có nhiều loại phương tiện để đến Chiang Mai, từ Bangkok, với lịch khởi hành dày đặc trong ngày.

Đến trước cổng chùa, tôi loay hoay mãi chẳng biết gửi xe ở đâu thì cô bán quầy hàng lưu niệm bảo cứ để đấy, không sao đâu. Thế là tôi quẳng xe lại và leo 309 bậc thang để lên Doi Suthep.

Nằm ở độ cao 1.676m so với mức nước biển, từ Doi Suthep, bạn có thể nhìn toàn cảnh thành phố Chiang Mai cổ kính và yên bình. Là ngôi chùa cổ với tuổi thọ lên đến 600 năm, Doi Suthep mang đến cho du khách hành hương một không gian thiền tịnh và trầm mặc. Mua một đóa sen, nến và nhang, tôi mang lên chùa cầu nguyện. Những đóa sen trắng muốt, những hàng nến cháy miên man không dứt càng tạo nên một không gian đầy nhiệm mầu.

Sau khi khấn niệm và tham quan, tôi ngồi tĩnh lặng nơi góc chùa. Những hồi chuông dài nghe rõ từng tiếng, âm thanh trầm bổng trong chiều tạo nên sự thanh tịnh tuyệt đối, khiến người trần tục dễ dàng quên đi những bon chen đời thường.

{keywords}

Đường lên Doi Suthep

{keywords}

Bảo tháp tại Doi Suthep

{keywords}

Một góc Doi Suthep

Lạc vào lễ hội hoa

Ngày tôi đến, Chiang Mai đang trong những ngày diễn ra lễ hội hoa lớn nhất trong năm. Thoáng chút thất vọng khi chạm mặt thành phố lại không thấy không khí của một festival mang tầm khu vực đâu cả. Mọi việc diễn ra bình thản tựa như ở một làng quê tĩnh mịch, yên bình. Lẽ ra, thành phố hoa thì đi đâu cũng phải thấy hoa và lúc nào cũng tấp nập du khách như Lễ hội hoa Đà Lạt xứ mình. Hóa ra không phải.

Lễ hội được tổ chức ở Công viên Hoàng gia Ratchaphruek thuộc quận Mae Hia, nằm khá xa trung tâm thành phố.

Phải mất gần 45 phút chạy xe máy trên đường cao tốc tôi mới đến được công viên này, và phải mất khá nhiều thời gian để tìm... cửa vào bãi gửi xe, dù đã nhìn thấy nó ngay trước mặt. Nói thế để thấy rằng đây là một khu vực rộng lớn, choáng ngợp, chia làm nhiều khu vực với cách bài trí theo từng chủ đề khác nhau và cái nào cũng rực rỡ, hoành tráng.

Lúc tôi đến, du khách đang tụ tập xem chương trình văn nghệ dân tộc tại khu vực trung tâm. Lân la làm quen với cô bạn MC duyên dáng, tôi được biết lễ hội hoa năm đó được tổ chức lớn nhất từ trước tới nay vì đây là dịp kỷ niệm sinh nhật của cả vua, hoàng hậu và thái tử của nước này.

Chợ đêm, quà lưu niệm và... mát-xa chân

Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu như nhắc đến Chiang Mai mà không nhắc đến những khu chợ đêm đầy màu sắc. Bạn có thể tìm cho mình vô số hàng hóa tại đây, từ quần áo, túi xách đến đồ thủ công mỹ nghệ và cả những món hàng lưu niệm đủ chủng loại được trưng bày rất bắt mắt.

{keywords}
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở chợ đêm Chiang Mai

Điều đặc biệt ở đây là kiểu kinh doanh đầy tính dân tộc: người Thái bán hàng Thái bởi những món hàng ở đây đều do chính những người bán tự tay làm theo phương thức hoàn toàn thủ công.

Khu chợ đêm Bazaar, mà người Thái tự hào gọi là “Mẹ đẻ của chợ trời”, mở cửa từ 18h đến 24h mỗi ngày với không khí tấp nập người mua kẻ bán, nhộp nhịp nhưng lại rất trật tự và tuyệt đối không xô bồ.

Chỉ sau vài vòng chợ, hai chân mỏi nhừ và trên tay tôi đã lỉnh kỉnh hàng hóa, nào quần áo, nào đồ lưu niệm cho bạn bè, người thân. Tôi quyết định dừng chân tại một điểm mát-xa chân ngay giữa và mua một suất với giá 200 baht, chưa đến 140.000 đồng tiền Việt để tận hưởng 60 phút thư giãn. Ban đầu cũng hơi ngần ngại vì chưa quen việc nằm thoải mái giữa một khu chợ đông đúc, nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh chóng bởi cách bắt chuyện của cô nhân viên và cách mát-xa điêu luyện. Cảm thấy đôi chân khỏe hẳn, tôi quyết định dạo thêm một vòng chợ và ra về khi các sạp hàng đã bắt đầu đóng cửa nhưng thấy vẫn tiếc nuối vì tham lam muốn mua thêm vài thứ nữa.

Sau đó, tôi được ông chủ khách sạn giới thiệu một điểm mát xa nổi tiếng ở Chiang Mai. Người bản xứ thích đến đây bởi kỹ thuật điêu luyện của nhân viên, khách du lịch lại đến bởi sự tò mò, lạ lẫm khi toàn bộ kỹ thuật viên là các nữ tù nhân năm cuối. Tất nhiên, tù nhân đều được huấn luyện và trải qua những kỳ kiểm tra gắt gao nên tuyệt đối an toàn.

Một đặc sản nữa của người Thái mà tôi không bao giờ quên được, đó là nụ cười. Nụ cười của những cô gái Thái nhẹ nhàng, dịu hiền và không vương chút muộn phiền cho ta các cảm giác quen thuộc dù đang một mình nơi đất khách.

Quốc Duy