Khi mùa khô hạn kéo dài, nước trở nên khan hiếm và quý giá, thì nghề đào giếng (hay còn gọi là nghề “xông đất” âm phủ) ở Tây nguyên được xem như công việc “hái ra tiền”. Nhưng để có được thu nhập cao từ nghề này, không ít người đã phải đối diện với nguy hiểm rình rập.

Gánh nặng từ lòng đất

Khi mặt trời vừa ló dạng, không khí oi nồng chưa kịp bủa vây, chúng tôi theo chân những người đào giếng thuê ở Đắk Lắk có mặt tại khu đất trống thuộc phường Tân Lợi, để “mở mang” thêm về công việc được mệnh danh là nghề “xông đất” âm phủ.

Trước đó năm ngày, nhóm của anh Nguyễn Văn Minh (ngụ H.CưKuin, Đắk Lắk) đã đào gần 10 mét nên khi nhìn chiếc hố sâu hoắm. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ phải chui xuống dưới để múc từng xô đất lên một cách thủ công.

Sau khi nhai vội gói xôi, người thợ phụ nhanh chóng bắt tay vào việc dựng trục tời ngay trên miệng hố để tải đất, đồng thời thắp một ngọn nến và đặt vào chiếc đĩa nhỏ buộc vào sợi dây thừng thả xuống giếng.

Theo người này thì: “Làm vậy để biết không khí dưới giếng có thiếu khí hay không, nếu nến cháy bình thường thì người đào mới xuống, còn nến tắt có thể bị thiếu khí, khi đó phải xục khí xuống để không bị ngạt”.

Sau khi người thợ phụ làm các công việc kiểm tra và chuẩn bị mọi thứ, anh Minh nhanh chóng cởi bỏ trang phục, chỉ còn lại chiếc quần cộc. Theo từng gờ móc đã được đào trước đó, từng bước từng bước anh rút dần xuống phía dưới. Ít phút sau, bóng dáng của anh chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút dưới miệng giếng đen ngòm.

Công việc của những người thợ đào giếng được bắt đầu như vậy và kết thúc khi nắng đã lên cao. Những xô đất nặng trĩu và độ sâu của giếng cũng ngày càng tăng lên, hòa lẫn với những giọt mồ hôi mặn đắng, cay nồng của người thợ.

Anh Minh cho biết: “Thông thường, nếu gặp vùng đất mềm, mạch nước mạnh thì khoảng 15 hay 20 mét là có nước. Nhưng nếu gặp đất xấu, sỏi hay đá khối thì có khi 30 mét còn chưa có nước, lúc đó chỉ có nước bỏ thôi chứ không đào nổi. Đào giếng mới còn đỡ, chứ đào tiếp giếng cũ thì kinh lắm. Giếng cũ là giếng người ta đã xài rồi giờ đào thêm để có nước. Những giếng như vậy thường sâu và có nhiều bùn đất rất dễ sập. Nhiều lúc xuống dưới giếng cứ có cảm giác mình đang ở dưới âm phủ, vừa tối lại vừa lạnh lẽo”.

{keywords}

Cực nhọc nhưng nhiều người đào giếng vẫn bám trụ vì mưu sinh


Vừa kể chuyện vừa châm điếu thuốc hút lấy tinh thần, anh bộc bạch tiếp: “Công việc vất vả là thế nên thu nhập cũng tương đối, thường thì một mét đất có giá từ sáu trăm đến gần hai triệu, tùy theo loại đất cứng hay mềm.

Vì chỉ có thể làm vào mùa khô nên làm ra bao nhiêu tiền đều phải tiết kiệm, xem như khoản để dành có việc mới sử dụng. Còn bình thường, khi không ai thuê đào giếng, mình đi làm việc lặt vặt cũng chỉ đủ sống qua ngày, dù sao nghề này cũng không thể trụ lâu”.

Tuy Đắk Lắk có hàng trăm công trình thủy lợi, nhưng diện tích nước tưới vào mùa khô chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu. Chính vì vậy, đến mùa thiếu nước rất nhiều nhà cần thuê người đào giếng để tưới cho cây trồng và sinh hoạt.

Do đó, công nhật cho mỗi ngày cũng khá cao từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Dù không được trang bị đồ bảo hộ lao động, phương tiện hỗ trợ làm việc thô sơ không đảm bảo, nhưng vì “miếng cơm manh áo” những người làm nghề đào giếng vẫn bắt tay làm công việc đầy cực nhọc và nguy hiểm này.

Nghề “bán” tính mạng

“Sinh nghề tử nghiệp” là câu nói ám ảnh đối với những người làm công việc này, bởi bất kỳ một sai sót nhỏ nào cũng có thể nguy hiểm cho tính mạng. Cái chết mới đây nhất của anh Y Bhung Niê (SN 1969, trú buôn Ea Sut, thị trấn Ea Pôk) là một minh chứng.

Ngày 8-4-2015 anh Y Bhung Niê cùng Nguyễn Văn Hòa (SN 1981), Trần Văn Thành (SN 1987) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1994, đều trú xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) nhận lời đào giếng thuê cho gia đình anh Trương Văn Kỳ (SN 1978, ở thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) để lấy nước tưới cà phê.

Trong quá trình đào giếng, nguồn điện từ mô tơ bơm nước đặt dưới lòng giếng bị rò rỉ, khiến hai người bên dưới bị điện giật là anh Niê và anh Thành. Phát hiện sự việc, hai người còn lại nhanh chóng kéo người bị nạn lên để sơ cứu. Nhưng chỉ có anh Thành may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, còn anh Y Bhung Niê thì không qua khỏi.

Ngoài những tai nạn bất ngờ như trên, điều mà người thợ đào giếng nào cũng kinh hãi khi nhắc đến chính là ngạt khí, bởi đào xuống càng sâu thì ô-xi càng ít đi. Thay vào đó là khí mê tan rất dễ khiến người đào giếng bị ngộp. Để tránh trường hợp này, người đào giếng thường thả lá cây tươi xuống làm thoáng khí, đồng thời có tín hiệu riêng báo khẩn cấp khi có sự cố, để người thợ phụ ở trên ứng cứu kịp thời. Một số đội đào chuyên nghiệp thì sử dụng bình thở ô-xi hỗ trợ thêm. Nhưng vì giếng hẹp và đeo bình thở vướng víu, khó đào nên cũng không mấy người sử dụng.

Bên cạnh đó, vì ở độ sâu có khi hàng chục mét nên bất kỳ một vật nhỏ dù chỉ là hòn sỏi rơi xuống giếng cũng khiến người bên dưới bị trọng thương. Anh Minh cho biết, cách đây hơn hai năm, nhóm của anh có một người quê ở Thanh Hóa vào Tây nguyên theo nghề đào giếng. Vì bất cẩn khi đào, người này bị một hòn đá to bằng nắm tay rơi trúng đầu gây chấn thương khá nặng. Khi bình phục thì trí óc cũng không còn được minh mẫn, nên đành bỏ nghề về quê sống nhờ vào gia đình.

(Theo CA TP.HCM)