(VEF.VN) - Cư dân đại diện nhiều chung cư cao cấp của Hà Nội đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội ban hành mức phí trần dịch vụ và quản lý nhằm hạn chế những bất cập hiện nay. Tuy nhiên, mức giá trần chưa chắc là mức cao nhất mà người dân phải trả.

Quan điểm nêu trên được ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ với báo chí hôm 27/9.

Theo ông Hà, quy định của pháp luật và các nghị định đều quan điểm tôn trọng các thỏa thuận dân sự ban đầu giữa bên bán và bên mua. Trong hợp đồng mua bán nhà quy định phải có phụ lục hợp đồng quy định chi tiết về vấn đề quy chế quản lý, vận hành, phí dịch vụ, sở hữu chung, riêng...

Trường hợp không hoặc chưa có thỏa thuận vì bất cứ lý do gì thì phải thực hiện theo quy định của Nhà nước - tức khung giá do địa phương ban hành quản lý.

Việc tranh cãi nổ ra gần đây giữa các hộ dân và chủ đầu tư, nhất là tại các dự án chung cư cao cấp về mức phí quản lý, dịch vụ được nhìn nhận có hai mặt. Một là bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch. Hai là người dân chưa quan tâm đến quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc mua bán nhà.

Hợp đồng mua bán nhà, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thường được bên bán quy định rất chặt chẽ. Người mua không đọc kỹ các điều khoản, thiếu hiểu biết pháp luật đã ký vào hợp đồng, giờ không đồng ý, xung đột quyền lợi thì nếu ra tòa chưa chắc bên mua đã đúng.

Ông Hà khẳng định, ở vai trò quản lý, Nhà nước không can thiệp quá sâu vào chi tiết mà ưu tiên căn cứ vào thỏa thuận ban đầu.

- Quan điểm của ông như thế nào về việc các hộ dân chung cư cao cấp kiến nghị một mức phí trần quản lý, dịch vụ lên thành phố Hà Nội?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Yêu cầu của Bộ Xây dựng là các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình để ban hành giá trần cho các chung cư mà không có thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân.

Do đó, thứ nhất, căn cứ ban đầu vẫn là thỏa thuận trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và người dân về phí dịch vụ chung cư. Người dân khi mua nhà phải quan tâm rõ đến vấn đề chủ đầu tư cung cấp dịch vụ cho mình như thế nào và mình phải nộp phí dịch vụ đó ra sao.

Mình cứ nói chủ đầu tư thế này, thế kia nhưng khi làm hợp đồng với người mua, chủ đầu tư đã định rõ phí phải nộp là 1 triệu đồng. Người mua ký vào, tại sao bây giờ lại đi cãi?

Trường hợp chủ đầu tư không có quy định chi tiết thì có nghĩa là chủ đầu tư phải theo khung giá của thành phố quy định mức giá trần cho các công trình chung cư loại 1, 2 và 3. Hiện tại TP. HCM ban hành rồi, Hà Nội còn đang nghiên cứu để ban hành.

Như vậy không có nghĩa là giá trần áp dụng cho tất cả các trường hợp. Còn khi mua bán đã có thỏa thuận ban đầu, người mua được hưởng dịch vụ đến "tận răng", có bể bơi, phòng thể dục, sân thượng hóng mát, có vườn cây để ngồi thì mức phí cũng phải khác. Tại sao anh lại bảo anh không nộp tiền?

Ông Nguyễn Mạnh Hà
- Tuy nhiên, các cư dân hiện thường hiểu mức giá trần quy định là mức cao nhất, thưa ông?

Không phải, người ta không thể hiểu như thế được. Người dân phải đọc kỹ các quy định của pháp luật. Trong đó, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng quan hệ, thỏa thuận dân sự.

- Rõ ràng mua căn hộ thì phải đọc kỹ hợp đồng nhưng thời gian trước đây, nguồn cung căn hộ khan hiếm, thị trường thuộc về người bán, còn người mua luôn chịu thiệt thòi. Ông nói sao về điều này?

Nói thế chưa đúng. Không phải bây giờ thiếu thì tôi cứ cắm đầu cắm cổ mua. Ngay mua đến TV, điện thoại di động, mình cũng phải tìm hiểu, xem kỹ kiểu dáng, tính năng... huống hồ là mua nhà - việc của cả đời. Không thể nói do hôm đấy vội quá, không mua nhanh thì hết nên tôi phải cố gắng mua, giờ bắt đền.

Chỉ trường hợp, chủ đầu tư vi phạm cam kết trong hợp đồng với người mua thì nhà nước mới tham gia giải quyết. Còn nếu cam kết bình thường và người ta vẫn đang phục vụ đúng cam kết ấy thì người sử dụng phải thực hiện đúng với người cung cấp.

- Trong điều kiện không có thỏa thuận trước về dịch vụ và giá dịch vụ, chủ đầu tư cứ tùy ý nâng giá. Khi người dân yêu cầu công khai chi phí thì họ không chịu. Ý kiến ông thế nào?

Đương nhiên là chủ đầu tư phải công khai minh bạch. Pháp luật đã quy định rồi, nếu họ không làm thì kiện ra tòa chứ.

- Cá nhân ông có đề xuất giải pháp để tháo gỡ bức xúc về phí quản lý, dịch vụ của người dân sống tại các khu đô thị, khu chung cư hiện nay thế nào?

Thứ nhất, phải xác định những bức xúc đấy có phải của số đông không hay chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Không thể nói là rất nhiều, đa số. Bởi nhiều dự án làm rất tốt, đời sống nhân dân được nâng cao. Chủ đầu tư dùng diện tích kinh doanh để bù đắp, không thu phí quản lý, dịch vụ, hoặc có những chủ đầu tư thu phí rất ít chỉ vài chục nghìn/tháng/căn hộ như HUD, Vinaconex.

Chỉ có một vài chung cư không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì dẫn tới xung đột quyền lợi với người dân. Hiện có 2-3 ban quản lý gửi thư khiếu nại trực tiếp lên cho tôi, trong đó gồm chung cư Sky City 88 Láng Hạ, The Manor đã xử lý rồi, 93 Lò Đúc mới nghe phản ánh thôi, chưa tiếp nhận... trong số hàng mấy chục nghìn chung cư cả nước.

Những trường hợp đơn của hộ gia đình cá nhân, các ban quản trị gửi đến thì Bộ sẽ chỉ đạo để các cơ quan quản lý chuyên trách đi kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật, xử lý những trường hợp vi phạm.

- Trong điều kiện như thế nào thì Bộ Xây dựng sẽ thành lập đợt tổng kiểm tra về phí quản lý, dịch vụ chưng cư, thưa ông?

Việc kiểm tra thực hiện pháp luật là việc thường xuyên, trách nhiệm của Bộ. Trường hợp có nhiều vi phạm và nhiều dư luận thì Bộ sẽ tổng kiểm tra.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nga