Kết quả kiểm tra định tính, định lượng và tạp chất đối với gần 400 mẫu dược liệu của Bộ Y tế cho biết, có đến 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo Dược điển Việt Nam và 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp.

Những con số đáng báo động về chất lượng dược liệu này cho thấy, nếu chỉ riêng ngành y tế nỗ lực vào cuộc để làm “sạch” thị trường dược liệu thì rất khó khăn vì phần lớn dược liệu nhập vào nước ta đều qua con đường tiểu ngạch. Do đó, rất cần có sự phối hợp vào cuộc của cơ quan chức năng trong công tác quản lý chất lượng dược liệu...

Nhiều thủ đoạn tinh vi làm giả dược liệu


Trong công bố của Bộ Y tế cho thấy, có 3 loại dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc là bạch linh, thỏ ty tử và hồng hoa bị làm giả rất nhiều. Kết quả xét nghiệm mẫu bạch linh cho thấy, 80% được làm từ cacbonat, thỏ ty tử được trộn bằng xi-măng và hồng hoa được phát hiện có chất gây ung thư... thậm chí có cả những hóa chất mà cơ quan kiểm nghiệm chưa phát hiện ra loại hóa chất đó là gì.

TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (YDCT), Bộ Y tế cho biết, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW gửi đến đã khiến cả Vụ YDCT bất ngờ trong buổi giao ban. Bởi trước đây, nếu phát hiện bạch linh giả, thử nghiệm cho vào nước sẽ tan nhanh chóng, nhưng giờ họ rất tinh vi cho canxi cabonat vào để không tan trong nước. Trước đây (kết quả kiểm nghiệm năm 2009) dược liệu thỏ thy tử có trộn bột xi-măng thì gần đây cơ quan chức năng còn phát hiện các đối tượng kinh doanh, buôn bán dược liệu đã trộn chất vô cơ khác. Đối với dược liệu hồng hoa nhuộm chất màu, khi vào cơ thể, hóa chất sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Nguy hiểm hơn là gây tác hại lâu dài như suy gan, suy thận, ung thư...

Thuốc Đông dược được nhiều người ưa dùng, vì vậy nếu chất lượng dược liệu không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh (ảnh minh họa).

TS. Phương cũng cho biết thêm, nhiều dược liệu khác cũng bị làm giả là ô dược bằng rễ sim, giả ý dĩ bằng hạt cao lương hay hà thủ ô làm giả bằng thân rễ các loài thuộc chi smilax...; hay một số mẫu dược liệu đã được cơ sở kinh doanh cố tình nhuộm bằng thuốc nhuộm hay hóa chất độc hại để bảo quản lâu, đẹp như chất rhodaminB - một chất phẩm nhuộm màu công nghiệp đã có bằng chứng có thể gây ung thư cho cơ thể người đối với mẫu dược liệu đan sâm, câu kỷ tử, chi tử...

Định lượng thuốc trước khi đóng gói.

Tăng cường kiểm nghiệm chất lượng dược liệu

Theo PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Vụ trưởng Vụ YDCT, qua kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại một số bệnh viện y dược học cổ truyền và khoa YHCT của các cơ sở KCB tại một số địa phương cho thấy, có nhiều vị thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng hiện đang được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân như: Nhóm 1 gồm một số vị thuốc có lẫn nhiều tạp chất như: bá tử nhân, tế tân, viễn chí, hòe hoa, phòng phong, uy linh tiên, tần giao, kim ngân hoa; Nhóm 2 gồm một số vị thuốc có mô tả đúng nhưng hàm lượng hoạt chất thấp như: đảng sâm, hoàng cầm, khương hoạt, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, đan sâm, ngưu tất, nhục thung dung; Nhóm 3 gồm một số vị thuốc bị nhầm lẫn loài như: dây đau xương, tang ký sinh, ý dĩ, thăng ma, hoàng kỳ; Nhóm 4 gồm một số vị thuốc có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo: bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa.

Ngoài ra, còn một số vị thuốc sử dụng không đúng bộ phận dùng như: kim ngân hoa (sử dụng kim ngân đằng), liên nhục (dùng nắp hạt sen), phục thần (dùng bạch linh). Theo ông Khánh, những vị thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng sử dụng tại các cơ sở KCB tập trung chủ yếu vào các loại được sử dụng thường xuyên và không có ở Việt Nam, phải nhập từ nước ngoài.

Trước thực trạng này, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thuốc, Vụ YDCT - Bộ Y tế đã có văn bản số 6133/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường quản lý chất lượng dược liệu. Theo đó, Vụ YDCT đề nghị giám đốc các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB bằng YHCT trên địa bàn tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc YHCT, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm nhập trước khi nhập kho.

Đối với 4 vị thuốc hồng hoa, bạch linh, thỏ ty tử, hoài sơn, các cơ sở KCB bằng YHCT chỉ được sử dụng khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Dược điển Việt Nam IV. Đồng thời, Vụ YDCT cũng yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y trong các cơ sở KCB trên địa bàn, chú trọng kiểm tra những vị thuốc nêu trên và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/10/2012.

Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW: Qua kiểm nghiệm, phân tích các mẫu dược liệu trên thị trường, Khoa Kiểm nghiệm Đông dược của Viện đã phát hiện trung bình tỷ lệ các mẫu dược liệu, đông dược không đạt chất lượng hoặc có chứa những chất không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng chiếm khoảng 8-10%. Đặc biệt, thời gian gần đây, qua kiểm tra một số mẫu thuốc đông dược tại khoa cũng phát hiện một số mẫu có chứa tân dược, nhưng nhà sản xuất đã không ghi rõ để người tiêu dùng biết. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, bởi khi người tiêu dùng không biết trong thành phần thuốc đông dược có chứa tân dược mà vô tư sử dụng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

(Theo SKDS)