Thị trường kim cương tại Ấn Độ đang phát triển nhanh và ngông cuồng hơn bao giờ hết. Vàng giờ đây không phải là lựa chọn số 1 mà mốt mới của những người dân nơi đây là mang trên người những viên kim cương càng to càng tốt.

Người Ấn Độ từ lâu đã là những người mua vàng lớn nhất thế giới - lớn đến nỗi mà những thay đổi trong tiêu dùng của họ có thể ảnh hưởng tới quy mô của nhu cầu toàn cầu. Gần đây quy mô đó đã giảm xuống.

Năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ về nhu cầu vàng nói chung, theo Hội đồng Vàng Thế giới, phần lớn bởi vì vào cuối quý II, nhu cầu đồ trang sức tại Ấn Độ đã giảm 30% so với năm ngoái. Nguyên nhân cho tình trạng này có lẽ là bởi giới nhà giàu Ấn Độ đã phát hiện ra kim cương.

Stephen Lussier, giám đốc điều hành của Forevermark, công ty con của tập đoàn De Beers, nhà cung cấp kim cương lớn nhất thế giới cho biết: “Ấn Độ đã trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất cho De Beers. Hiện đây là một thị trường ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”.

Ông nói thêm rằng: “Đây cũng là một thị trường ngông cuồng nhất xét về khía cạnh thiết kế kim cương. Phụ nữ đeo những viên kim cương vô cùng lớn. Bạn sẽ không nhìn thấy những viên kim cương như vậy tại châu Âu trừ khi bạn được dùng bữa tối với nữ hoàng.”

“Khám phá kim cương” của Ấn Độ không chỉ về đồ trang sức. Nó được thúc đẩy bởi động thái giá cả và sự mất giá tiền tệ do giá vàng cao liên tục trong năm qua kết hợp với sự mất giá của đồng rupee. Trên thực tế, đồng rupee đã mất giá 25% so với đồng USD so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho giá vàng, được định giá bằng đồng đô la, tăng cao hơn với người dân Ấn Độ. Đồng thời, kim cương trở nên rẻ hơn. Vào cuối quý II năm nay, giá bán trung bình của một carat kim cương giảm khoảng 18% so với năm ngoái, khoảng 8.384 USD, giảm so với giá 9.175 USD năm ngoái.

Kim cương - mốt hồi môn ưa chuộng mới

Biến động giá vàng miếng không phải là nhân tố duy nhất trong mối đam mê mới với kim cương của người Ấn Độ. Trong vài năm qua, các chiến dịch quảng cáo kim cương đã nhắm tới thị trường đám cưới của Ấn Độ. Ông Lussier nói: “Trước khi De Beers bắt đầu quảng cáo tại Ấn Độ, thị trường này hoàn toàn tập trung vào vàng. Hiện De Beers chi từ 4-5 triệu USD mỗi năm cho quảng cáo tới người tiêu dùng tại Ấn Độ.” Trong 5 năm qua, đầu tư quảng cáo của De Beers đã mang về mức tăng trưởng doanh thu từ 20 đến 30% năm này qua năm khác.

Các nhà bán lẻ trên toàn thế giới đang săn tìm thị phần trước khi thị trường đồ trang sức kim cương trở nên đông đúc như chính các thành phố Ấn Độ. Đối thủ cạnh tranh chính của họ là hãng trang sức kim cương Ấn Độ Tanishq, vốn đã chiếm lĩnh các thành phố lớn như Mumbai và Delhi. Người Ấn Độ cho biết sự nổi tiếng của Tanishq là do thiết kế hiện đại của nó hoàn toàn thu hút được thế hệ trẻ của Ấn Độ.

Saniya Ghandi Bhardwaj, mới kết hôn nói: “Khi tôi nhìn vào trang sức cưới của mẹ tôi, nó chủ yếu bằng vằng. Đồ trang sức đám cưới Ấn Độ đã trở nên hiện đại hơn và sử dụng nhiều kim cương hơn.”

Trong các gia đình giàu có, cha mẹ cô dâu thường trao cho cô dâu những bộ trang sức như một món quà nghi lễ theo truyền thống cho con gái của họ. Tùy thuộc vào sự giàu có của gia đình, quà tặng truyền thống có thể chỉ gồm vàng, nhưng xu hướng mới trong những người giàu có đã chuyển sang kim cương. Những nhà giàu nhất của Ấn Độ vẫn mua cái họ muốn và các đám cưới đơn giản là sự biểu hiện rõ ràng nhất của điều đó. Ông Lussier cho biết: “Cho dù điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế, nếu có một đám cưới, họ chẳng tiếc gì cả. Họ tiết kiệm từ ngày bé gái được sinh ra và đồ trang sức dường như không phải là vấn đề trở ngại.”

Sự khác biệt là bây giờ, hơn bao giờ hết, chẳng tiếc gì có nghĩa là nhiều kim cương hơn.

NGUYỄN TUYẾN (Theo CNBC)