Mercedes-Benz Vision AVTR
Mẫu xe vừa điên rồ vừa thân thiện môi trường này được lấy cảm hứng từ bộ phim Avatar, với thiết kế gói gọn trong ba yếu tố: tương lai, đơn giản và hữu cơ. Cản trước hoàn toàn không có khe gió, phía sau có 33 đĩa chức năng giúp tăng tính khí động học.
Đáng ngạc nhiên hơn, Vision AVTR không có vô-lăng, thay vào đó là cơ chế điều khiển đa chức năng, nhận biết người trong xe qua nhịp tim và nhịp thở, tùy theo tâm trạng và sinh khí để đưa ra chế độ lái phù hợp. Xe sẽ tự lái khi đặt chế độ “tiện nghi” nhưng người trong xe vẫn có thể tăng, giảm tốc và khi cần vẫn có chế độ toàn quyền điều khiển. Rất nhiều vật liệu cấu thành nên chiếc xe này có thể tái chế, hoạt động bằng động cơ điện và pin hữu cơ không phụ thuộc tài nguyên hóa thạch, dẫn động 4 bánh, có thể di chuyển ngang.
Thời gian sạc đầy pin chỉ 15 phút, khoảng cách di chuyển khoảng 700km. Đây mới là bản concept Mercedes chưa hé lộ thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào.
Mercedes-Benz Vision AVTR
Sony Vision S
Thật bất ngờ nhưng đó là sự thật: Sony đã chính thức giới thiệu mẫu xe điện Vision S tại CES năm nay, cho thấy khát vọng tiến quân vào thị trường xe hơi đã lớn đến nhường nào. Ngoại thất cực kỳ gọn gàng, gợi bóng dáng của Porsche lai Lucid Motor Air. Tuy mới là bản concept nhưng đã nhận được rất nhiều lời khen từ các chuyên gia, về kiểu dáng, vận hành và tiện nghi.
Vision S được trang bị 33 bộ cảm biến trong và ngoài xe, dùng camera quan sát thay cho gương chiếu hậu – chắc chắn đây sẽ là xu hướng trong tương lai không xa. Màn hình điều khiển trong xe dài đến hai phần ba mặt táp-lô, kèm thêm hai màn hình giải trí cho người ngồi ghế sau. Xe có kết nối 5G, tính năng trợ giúp người lái cực mạnh mẽ. Nếu được bán ra, bản thương mại của Vision S sẽ không có nhiều chỉnh sửa bởi thiết kế của nó đã khá hoàn thiện.
Sony Vision S
BMW i3 Urban Suite
Mẫu xe hạng sang cỡ nhỏ dựa trên nền tảng chiếc xe điện i3 có khoang xe mô phỏng phòng khách sạn với ghế ngồi phía sau kiểu thư giãn có đệm gác chân, bàn làm việc phía bên trái, màn hình treo lên trần và hệ thống âm thanh Sound Zone chạy quanh chỗ ngồi. Các kỹ sư của BMW chỉ giữ lại ghế lái và bảng điều khiển trung tâm của mẫu i3. Điều đáng nói ở đây là i3 Urban Suite dùng rất nhiều vật liệu tái chế trong phần nội thất như một thông điệp về bảo vệ môi trường, gắn liền với chủ đề Change Your Perception (thay đổi quan điểm của bạn) khi hãng xe Đức tham gia triển lãm CES 2020.
Mẫu xe này cũng cho thấy góc nhìn khá mới mẻ của BMW về hướng phát triển mới trong tương lai, khi phương tiện di chuyển cá nhân không nhất định phải là Limo siêu dài hay SUV cồng kềnh mới có thể mang lại tiện nghi cho người dùng. Nhiều khả năng bản thương mại của i3 Urban Suite sẽ dùng chung động cơ với bản i3 tiêu chuẩn.
BMW i3 Urban Suite
Fisker Ocean
Nhà sản xuất xe điện Fisker trình làng mẫu SUV hạng sang mang tên Ocean để thể hiện quyết tâm và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ra những mẫu xe thân thiện môi trường. Theo các kỹ sư, Ocean sẽ là chiếc xe bền vững nhất thế giới do sử dụng hệ thống truyền động hoàn toàn bằng điện, nội thất bọc da nhân tạo và vô số chi tiết trên xe cũng như trong nội thất dùng vật liệu tái chế như nylon, polyester. Ocean được trang bị pin mặt trời để sạc thụ động, chế độ California Mode cho phép hạ cửa kính để tận hưởng gió trời mà không gây ảnh hưởng đến người lái.
Theo thông tin từ Fisker thì bản thương mại của Ocean sẽ được tung ra thị trường vào năm sau với mô-tơ điện 80 kilowatt/giờ, công suất 300 mã lực, chạy tối đa gần 500 km sau mỗi lần sạc đầy. Giá xuất xưởng cho bản thấp nhất là 37.499 USD.
Fisker Ocean
Hyundai S-A1 Urban Air Mobility
Đứng đằng sau mẫu concept quá bất ngờ này không chỉ có Hyundai mà còn cả Uber – hai đại gia này đã bắt tay nhau để sản xuất những chiếc “taxi bay” như một phần của dịch vụ du lịch – vận chuyển đô thị Uber Elevate.
Mẫu xe bay này chở được tối đa 5 người bao gồm cả người lái – chúng ta hoàn toàn có thể gọi là phi công. Nó sở hữu bốn động cơ điều khiển bằng điện, trông na ná một chiếc drone khổng lồ, cho phép cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, đồng thời giúp nó bớt ồn ào hơn hẳn so với máy bay lên thẳng truyền thống. Cả Hyundai và Uber đều cho rằng đây là yếu tố tiên quyết để S-A1 có thể sử dụng được ở khu vực đô thị. SA-1 có thể bay với tốc độ 360km/giờ, phạm vi hoạt động tối đa khoảng gần 100km. Thú vị nhất, theo Hyundai, S-A1 chỉ cần khoảng 5 – 7 phút để sạc lại giữa các chuyến bay. Một con số thực sự gây sốc. Nếu chiếc xe bay này đi vào hoạt động, tin chắc trong các đô thị lớn sẽ có nhiều sân bay tí hon mọc lên để phục vụ nó.
Hyundai SA-1 Urban Air Mobility
Ngoài Hyundai và Uber, còn có Bell, Embraer, Joby Aviation, Pipistrel Aircraft, Karem Aircraft và Jaunt Air Mobility tham gia vào dự án này, hầu hết là công ty chuyên lĩnh vực hàng không. Giá bán và thời điểm xuất xưởng S-A1 hiện chưa được tiết lộ.
Theo Bizlive
Những mẫu xe nội địa ưa thích của quân đội Ấn Độ
Quân đội Ấn Độ ngoài một vài mẫu xe nhập khẩu của Toyota hay Mitsubishi thì còn lại trang bị khá nhiều mẫu xe được lắp ráp trong nước, thuộc những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô nội địa.