Richard Keedwells sống tại Yate, Bristol (Anh). Trong lúc chở vợ đi mua sắm dịp lễ Giáng Sinh năm 2016 ở Worcester, ông đã lái xe 57 km/h trong khu vực chỉ cho phép 48 km/h, theo ghi nhận của cảnh sát West Mercia.
Không thừa nhận lỗi trên, Richard Keedwells đã mất 2,5 năm kiện tụng, trải qua 7 phiên xét xử để chống lại vé phạt tốc độ này.
Ông Richard Keedwells nhận vé phạt tốc độ trong một lần chở vợ đi mua sắm. Ảnh: Telegraph. |
Ông Keedwell đã thuê Tim Farrow, một chuyên gia trong lĩnh vực điện tử và radar. Người này phân tích hình ảnh của ông Keedwell trong lúc bị cáo buộc quá tốc độ, khẳng định Keedwell không vi phạm, đồng thời cho rằng camera ghi hình bị lỗi.
Tim Farrow nói camera bắn tốc độ bị lỗi “double doppler”, hiện tượng xảy ra khi một xe khác di chuyển cùng chiều nhưng nhanh hơn.
Tim Farrow từng là chuyên gia điện tử của Không lực Hoàng gia Anh (RAF). Từ năm 2006, ông là nhân chứng chuyên gia tại tòa. Farrow nói rằng Keedwell đã bị phạt oan do hiện tượng “double doppler” hiển thị sai tốc độ xe.
Cựu chuyên gia RAF này từng thành công trong một vụ tranh cãi tương tự năm 2015. Khi đó, một tài xế xe tải đã bị cáo buộc chạy 137 km/h trong trong khu vực chỉ cho phép 48 km/h. Farrow chứng minh người này chỉ chạy 46,7 km/h cũng với nguyên lý sai lệch “double doppler”.
Người đàn ông này đã mất 37.500 USD chỉ để tranh cãi vé phạt tốc độ 125 USD. Ảnh: Telegraph. |
Thay vì trả vé phạt tốc độ 125 USD cách đây 3 năm, giờ đây ông Richard Keedwells đã tốn 37.500 USD cho chi phí kiện tụng.
Mặc dù không thắng kiện, ông Richard Keedwells cho rằng việc làm kiên định của mình sẽ giúp các tài xế khác tránh án phạt oan, đồng thời cáo buộc hệ thống luật pháp có lỗ hổng nghiêm trọng.
“Tôi không hề cảm thấy mình vượt quá 48 km/h. Thế nên tôi rất bực khi nhận vé phạt qua bưu điện. Tôi có niềm tin rằng Tim Farrow biết rõ vấn đề này. Nếu ngay từ đầu anh ấy nói tôi cứ trả tiền phạt đi thì đã không có chuyện gì xảy ra”, chia sẻ của ông Richard Keedwells.
Theo news.zing.vn