LTS: Tại khoản 3, điều 27 của dự Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Quy định này khiến nhiều người dân cảm thấy khá lạ lẫm và băn khoăn. Báo VietNamNet mở diễn đàn thảo luận: "Quy định xe máy bật đèn 24/24h có phù hợp ở Việt Nam?" Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, đóng góp bài viết góc nhìn về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin cảm ơn! |
Lưu ý đặc thù Việt Nam: Nắng nóng, xe máy đi san sát
Ghi nhận từ phản hồi bạn đọc của VietNamNet cho thấy, đại đa số đều lo ngại quy định bật đèn xe máy 24/24h không phù hợp ở Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét kỹ vấn đề này trước khi ra quyết định.
Độc giả Hữu Nhân cho biết, việc lấy dẫn chứng nước ngoài đã áp dụng quy định này là không hợp lý. Bởi theo độc giả này, ở nước ngoài ô tô nhiều hơn mô tô, đường cao tốc rộng rãi, khoảng cách các phương tiện giao thông không dày đặc nên cần phải quy định bật đèn để nhận diện từ xa nhằm tránh rủi ro tai nạn xảy ra.
Xe máy phải bật đèn 24/24h liệu có xa rời với điều kiện ở Việt Nam? |
"Trong khi đó, ở Việt Nam xe máy đông như kiến vỡ tổ, khỏi cần bật đèn cả ngày cũng nhận diện được vì lúc nào cũng san sát gần nhau từng "centimet". Hơn nữa do ý thức chấp hành luật giao thông của người Việt Nam chưa cao nên nếu bật đèn nhận diện toàn bộ thì càng gây mất trật tự, càng xảy ra TNGT nhiều hơn vì có khi, xảy ra va chạm cãi nhau trong lúc tham gia giao thông...", độc giả Hữu Nhân bày tỏ.
Cùng quan điểm với độc giả Hữu Nhân, độc giả Trịnh Văn Hoàn chia sẻ: “Châu Âu và các nước Đông Nam Á đã thực hiện quy định này vì số lượng xe máy tham gia giao thông của họ rất ít chủ yếu là ô tô. Ở Việt Nam ngược lại xe máy là chủ yếu nên quy định này là không phù hợp”.
Còn độc giả Lựu Đạn Sét cho rằng, việc áp dụng bật đèn xe máy 24/24h là không hợp lý với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Độc giả này cho rằng: “Các nước trên thế yêu cầu bật đèn xe ban ngày vì thời tiết sương mù tầm nhìn hạn chế nên phải bắt buộc. Còn ở Việt Nam, mùa hè, ra đường nắng nóng đỏ lửa, bật đèn càng bức bí, làm tăng thêm nền nhiệt... Tôi cho rằng quy định này nếu được áp dụng sẽ bất hợp lý”.
Độc giả Đoàn Hoàng Anh cũng lo lắng, với thời tiết và mật độ giao thông như Việt Nam, ai đi xe cũng đèn sáng giữa ban ngày thì sẽ chói mắt dẫn đến căng thẳng, mất tập trung khi tham gia giao thông.
"Đèn chiếu sáng bật ban ngày ở những quốc gia gần đường xích đạo như Việt Nam và một số nước khác có điều kiện như Việt Nam chỉ làm cho trái đất thêm nóng", độc giả Lê Hữu Minh bày tỏ quan điểm.
Cùng quan điểm trên, độc giả Nguyễn Hồng Thanh cũng cho rằng: "Vào năm 1977, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông bật đèn xe vào ban ngày. Tiếp đến những nước như Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, và Na Uy cũng đưa ra quy định tương tự. Nhưng đây là những nước Bắc Âu quanh năm rất ít ngày có ánh mặt trời, chỉ có mây và sương mù. Còn nước ta là một nước khí hậu nhiệt đới nên học theo kinh nghiệm của các nước sẽ không hợp lý".
Ngoài ra, nhiều ý kiến bạn đọc gửi về bày tỏ băn khoăn, nếu bật đèn cốt xe máy suốt ngày, chắn chắn sẽ dẫn đến tiêu hao pin và có khả năng tỏa nhiệt, ảnh hưởng tuổi thọ bóng đèn. Vì đèn cốt là đèn có mục đích để chiếu sáng cho người lái thay vì để "nhận diện" theo đúng tên gọi của đèn nhận diện hay đèn xi-nhan.
Nên trưng cầu ý kiến nhân dân
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến các độc giả gửi về ủng hộ đề xuất bật đèn xe máy 24h/2h của Bộ Giao thông vận tải nhưng đề nghị, chỉ nên áp dụng theo điều kiện đặc thù.Luật có thể áp dụng nhưng cần linh hoạt, không quá khắt khe để mọi người dần thích nghi và thực hiện.
Độc giả Nguyễn Duy Hy Chỉ bày tỏ, chúng ta chỉ nên quy định xe phải bật đèn cả ngày trong một vài điều kiện như sương mù, mưa, bình minh và hoàng hôn mà ánh sáng tự nhiên của mặt trời không có khả năng đảm bảo tầm quan sát các vật thể ở một khoảng cách nào đó.
“Tôi cho rằng quy định cụ thể vào những lúc mưa giông, khói bụi hoặc khu vực cụ thể,... Chứ như nắng hè chói chang của tháng mùa hè thì bật đèn cả ngày không nên”, độc giả Tâm nói.
Độc giả Trần Hùng kể: “Bản thân tôi khi sang Thái Lan, thấy họ bắt buộc bật đèn xe máy ban ngày để xe ô tô dễ nhận biết là một việc làm hay và tôi luôn bật đèn khi lưu thông ở Việt Nam. Nhưng không nên máy móc áp dụng bắt buộc ở Việt Nam vì số lượng xe máy ở Việt Nam quá nhiều, xe ô tô bắt buộc phải quan sát cẩn thận khi lưu thông. Dto đó chỉ nên khuyến khích người dân bật đèn ban ngày chứ chưa nên bắt buộc ( áp dụng máy móc )”.
Chỉ nên áp dụng trong những trường hợp, điều kiện và khu vực cụ thể. |
Nêu dẫn chứng về trường hợp của mình, độc giả Phan Dương Tuấn cho biết: “Xe tôi đang đi là nhập khẩu có chế độ đèn tự động bật 24/24h. Lúc mua về, cũng tính độ công tắc mà mấy lần đi Đà Lạt sương mù hơi nhiều lúc đó mới thấy ưu điểm của việc bật 24/24h. Thực hiện quy định này chỉ nên bắt buộc ở các nơi điều kiện thời tiết đặc biệt như Đà Lạt. Ngoài ra, cơ quan chức năng lên mạnh tay phạt thật nặng hành vi bật đèn pha, đèn trợ sáng ban đêm trong thành phố, nội ô chói mắt người đi đường dễ gây tai nạn”.
Đánh giá về đề xuất quy định bật đèn xe máy 24h/24h, độc giả Nguyễn Quang cho rằng, mọi quy định trong điều luật đều có những những điểm lợi và có những điểm bất lợi. Tuy nhiên luật được làm ra để có lợi cho dân, có lợi cho cộng đồng nên phải được đông đảo người dân đồng tình, chứ không phải sao chép cho có để rồi "ta cũng phải như các nước trên thế giới".
“Nên chăng hãy làm một cuộc trưng cầu dân ý là hợp tình hợp lý nhất. Quan điểm của riêng tôi, nếu bắt buộc phải bật đèn cốt 24/24h mà thật sự giảm thiểu được tai nạn giao thông thì tôi ủng hộ, độc giả này nhấn mạnh.
Trước đó, theo lý giải của Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, đề xuất bật đèn xe máy chiếu sáng suốt cả ngày mới chỉ nếu lý do "thực hiện theo Công ước quốc tế về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968)". Nếu Việt Nam không thực hiện, sẽ phải có văn bản giải trình.
Luật Công ước Viên về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước Viên) năm 1968 và được cập nhật hàng năm trên cơ sở đề xuất của các nước. Việt Nam tham gia Công ước Viên từ năm 2014. Trong Công ước Viên, quy định phải bật đèn nhận diện suốt cả ngày đã được thông qua bởi hội đồng và được đa số các nước áp dụng. Đến nay, có 7/10 nước Đông Nam Á áp dụng quy định này (chỉ còn Việt Nam, Lào, Camphuchia chưa áp dụng). Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bộ GTVT đề nghị đưa quy định bắt buộc phải bật đèn nhận diện đối với xe máy để nội luật hoá Công ước Viên vì Việt Nam đã là thành viên. Dự kiến, quy định này sẽ được lấy ý kiến của người dân đến hết tháng 5/2020, sau đó tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội thông qua. Theo quy định quốc tế, nếu Việt Nam không tiếp thu và áp dụng quy định bật đèn nhận diện theo Công ước Viên thì sẽ phải báo cáo, giải trình với Hội đồng Công ước Viên để có biện pháp bảo lưu. (Theo ông Hoàng Thế Tùng – Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT) |
Chi Bảo - Nguyễn Hoàng
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Tranh cãi gay gắt về quy định xe máy phải bật đèn 24/24h
Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện 24/24h khi tham gia giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.