Sáng nay (29/11), TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường ra xét xử phúc thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, Công ty Nhật Cường thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu hơn 221 tỷ đồng. Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy hiện đang bỏ trốn.
Theo kháng nghị của VKS, 8 bị cáo từ Phó tổng giám đốc đến nhân viên công ty Nhật Cường đều là người làm công ăn lương, giữ vai trò giúp sức cho Huy, nhưng họ không được ăn chia khoản tiền thu lời bất chính này.
Các bị cáo tại tòa |
Ngoài ra, có 5 bị cáo không phải là nhân viên của Công ty Nhật Cường mà thuộc các đường dây vận chuyển, cung cấp hàng lậu cho công ty, được hưởng lợi, thu lời bất chính từ khoản tiền công ty Nhật Cường thanh toán tiền hàng lậu, thanh toán tiền công vận chuyển.
Những người này cũng không được ăn chia từ khoản tiền hơn 221 tỷ đồng thu lời bất chính của Công ty Nhật Cường.
Kháng nghị của VKS cho rằng, không có chế định quy định về việc các bị cáo liên đới phải nộp lại khoản tiền thu lời bất chính.
Việc này phải thực hiện theo nguyên tắc- đối tượng nào thu lời bất chính hoặc thụ hưởng tiền thu lời bất chính thì đối tượng đó phải nộp lại để tịch thu sung quỹ nhà nước.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) trình bày, đã vào làm cho Công ty Nhật Cường từ năm 2002, đến năm 2014 được nhận chức vụ Phó tổng giám đốc .
Bị cáo Ánh |
Tuy nhiên, đến tháng 7/2015, bị cáo mới giúp ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy giao dịch buôn bán, và lúc đó mới biết Huy mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.
Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ tội và xin miễn trách nhiệm dân sự.
Theo lời khai của ông Ánh, mức án 13 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo là nặng.
Số tiền hưởng lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu, ông chủ Nhật Cường là người hưởng lợi và đã dùng tiền này mua nhiều tài sản. Những tài sản này đã bị CQĐT phong tỏa.
“Bị cáo chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường, bị cáo không thể chịu trách nhiệm thay cho ông chủ Nhật Cường đã bỏ trốn”, bị cáo Ánh trình bày.
Bị cáo Ánh cũng mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét đến thái độ ăn năn hối lỗi, tích cực hợp tác với CQĐT của mình. “Xin HĐXX cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng, dù chỉ 1 ngày hay 1 tuần thôi”, lời bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (cựu Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù vì tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Ngọc |
Trình bày về nội dung kháng cáo, bà Ngọc xin giảm nhẹ tội ở hành vi buôn lậu, thừa nhận tội buôn lậu và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho mình về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo cũng xin được hủy bỏ trách nhiệm dân sự vì cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Đỗ Quốc Huy (cựu Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt án tù 9 năm vì tội buôn lậu cũng đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự cho mình.
Bị cáo cho rằng, ông chủ Bùi Quang Huy mới là người được hưởng lợi từ việc buôn lâu, còn bị cáo không được hưởng lợi gì.
Trong phần trình bày của mình, Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) cho hay, bị cáo đã choáng váng, hoảng loạn khi nghe HĐXX cấp sơ thẩm nhắc đến số tiền buộc bị cáo phải bồi thường.
Các bị cáo khác đều kháng cáo xin giảm nhẹ tội và xin được hủy bỏ trách nhiệm dân sự.
Tòa xem xét kháng nghị tiền bồi thường hơn 221 tỷ trong vụ Nhật Cường
Hôm nay (29/11), TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
T.Nhung