Giao nộp tài liệu, doanh nhân bị VKS quy làm lộ bí mật Nhà nước

Sáng ngày 30/9, trước nghị án vụ án VN Pharma, đại diện VKS đã có đề nghị HĐXX kiến nghị với Cơ quan An ninh Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước liên quan đến tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án.

Theo đó, trong qua trình điều tra vụ án VN Pharma, Bộ Y tế đã gửi CQĐT Công văn số 77 ngày 27/4/2018 về việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Tài liệu này được đóng dấu "mật" và được "giải mật" vào ngày 20/9/2019 gửi TAND TP.HCM.

{keywords}
Doanh nhân Ngô Nhật Phương 

Theo VKSND, từ ngày 27/4/2018 đến 20/9/2019, việc quản lý, khai thác và sử dụng các nội dung trong công văn này phải được tuân thủ theo các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù có gửi cho VKS nhưng trong cáo trạng truy tố chưa đề cập giải quyết các nội dung có liên quan trong công văn này.

Tuy nhiên, ngày 4/6/2018 (thời điểm tài liệu chưa được giải "mật"), ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an 10 tài liệu có liên quan đến nội dung tại Công văn số 77 của Bộ Y tế. Khi giao nộp, ông Phương khẳng định tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có, được dịch sang tiếng Việt, hợp thức hóa lãnh sự, đóng dấu sao y bản chính.

Tại phiên tòa, HĐXX đã hỏi ông Phương để làm rõ về nội dung mà ông Phương đã nộp cho Bộ Công an và ông Phương đã thừa nhận việc giao nộp này. Như vậy là có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước vì để cá nhân không có thẩm quyền có được tài liệu thông tin mật của Bộ Y tế.

Doanh nhân "tố" VKS không đọc kỹ hồ sơ

Trao đổi với VietNamNet, ông Phương tỏ ra bức xúc và cho rằng VKS không đọc kỹ hồ sơ. Ông Phương cho hay, ông không phải là người tới CQĐT nộp bất cứ tài liệu nào.

Theo ông Phương, hồ sơ mà Hiệp hội Dược Ấn Độ nộp cho CQĐT trước tài liệu của Bộ Y tế gần một năm. Từ hồ sơ này, Thanh tra Chính phủ mới yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra cung cấp, chứ Bộ Y tế hoàn toàn không có những tài liệu đó.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

"Lúc đó, Bộ Y tế mới làm văn bản cho các cơ quan chức năng phía Ấn Độ phối hợp kiểm tra. Tôi chưa bao giờ dùng bất kỳ hồ sơ nào của Bộ Y tế cả, cũng không biết cái nào là mật cái nào không”, ông Phương cho hay.

Về 10 tài liệu liên quan tới Công văn 77, ông Phương khẳng định mình không phải là người đi nộp mà nhờ phiên dịch dịch rồi người bên Ấn Độ đến nộp và nộp trước phiên tòa sơ thẩm lần 1 (năm 2017). Điều này ông đã trình bày nhiều lần tại tòa. Theo ông Phương, phía dược Ấn Độ chỉ muốn minh oan cho thuốc của họ.

Ngay sau khi biết được thông tin VKS kiến nghị điều tra hành vi “Làm lộ bí mật nhà nước”, ông Phương đã có đơn đề nghị gửi VKSND TP.HCM, TAND TP.HCM, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bày tỏ sự ngạc nhiên khi bị điều tra.

"VKS kiến nghị việc tôi sử dụng tài liệu mật là tài liệu nào? Việc kiến nghị này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của tôi và chắc chắn có sự nhầm lẫn. Cho đến nay với tất cả những gì tôi biết chỉ từ phía Ấn Độ và tôi sẵn sàng giúp các cơ quan chức năng và báo chí sang Ấn Độ, đến tận nhà máy sản xuất tìm hiểu về nhà máy đã sản xuất lô hàng này, họ vẫn khẳng định hàng thật, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định của pháp luật Ấn Độ và thông lệ quốc tế", ông Phương trình bày trong đơn.

"Việc xét xử vụ VN Pharma là chính đáng, việc trừng trị những kẻ kiếm tiền trên xương máu của người bệnh là đáng bị nguyền rủa nhưng sự thật chỉ có một thì cần được tôn trọng. Chính tòa và các cơ quan pháp luật phải vạch trần bản chất thật của vụ án này. Không vì bất cứ lý do gì mà kết luận trái với sự thật. Bản án sẽ không có tính chất răn đe, luật pháp sẽ không còn minh bạch nữa", ông Phương nhấn mạnh. 

Bị bác tài liệu vụ Vn Pharma, Bộ Y tế ‘bức xúc’ với Viện kiểm sát

Bị bác tài liệu vụ Vn Pharma, Bộ Y tế ‘bức xúc’ với Viện kiểm sát

Đại diện thành viên tổ công tác của Bộ Y tế cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ giả, nhãn mác giả để kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả là không đúng quy định.

Thanh Phương