Các chuyên gia an ninh Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang huấn luyện một đội 'chiến binh số' mạnh không kém gì Hàn Quốc và Trung Quốc, cho dù kinh tế và cơ sở hạ tầng của Bình Nhưỡng còn nhiều hạn chế.

Quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng.
Một số chuyên gia cho rằng khó có thể một quốc gia khó khăn về kinh tế và điều kiện internet ngặt nghèo như Triều Tiên có thể đe dọa được mạng lưới liên lạc phát triển của Hàn Quốc - quốc gia được coi là một trong những nước dẫn đầu về viễn thông toàn cầu.

Theo ngân hàng Hàn Quốc tại Seoul, thu nhập bình quân trên đầu người tại Triều Tiên năm 2011 là 1.190 USD, còn tại Hàn Quốc là 22.200 USD.

Nhưng trong những năm qua, Triều Tiên đã đầu tư một lượng tiền lớn vào khoa học và công nghệ. Minh chứng thấy rõ nhất kết quả phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân thành công của Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái và tháng Hai vừa qua.

"IT" (Công nghệ thông tin) trở thành một từ thông dụng ở Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã phát triển một hệ thống vận hành của riêng mình, với tên gọi là "Ngôi sao đỏ".

Triều Tiên cũng khuyến khích giới tinh hoa sử dụng các loại máy tính bảng sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Triều Tiên.

Các nhóm phát triển phần mềm xây dựng nên các phần mềm thông minh và đa dạng, từ việc soạn nhạc cho tới hướng dẫn cách làm bếp.

Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có hàng ngàn tin tặc được huấn luyện để thực hiện các cuộc chiến tranh số, và các kỹ năng tấn công trên mạng của họ cũng giỏi ngang bằng hoặc thậm chí còn hơn cả ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

"Phần bổ sung mới nhất cho kho vũ khí không đối xứng của Triều Tiên chính là tiềm lực chiến trang mạng ngày càng tăng" - James Thurman, chỉ huy trưởng lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp của Mỹ từ tháng 3/2012.

Ông này còn nói thêm rằng "Triều Tiên cho triển khai các hacker máy tính tinh vi đã được huấn luyện để tiến hành các cuộc tấn công mạng và thâm nhập vào mạng lưới" của Mỹ và Hàn Quốc.

Năm 2010, cựu lãnh đạo Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc là Won Sei-hoon nói rằng con số hacker chuyên nghiệp trong đơn vị chiến tranh số của Triều Tiên là 1000 người.

Một chuyên gia là Kim Heung-kwang nói rằng ông từng huấn luyện cho các hacker tương lai tại một trường đại học ở thành phố công nghiệp Hamhung của Triều Tiên suốt hai thập kỷ, trước khi ông bỏ trốn năm 2003.

Ông này nói rằng các sinh viên Triều Tiên được tuyển dụng vào các trường khoa học hàng đầu của đất nước để trở thành 'các chiến binh số'. Những 'chiến binh số' tương lai còn được gửi đi học ở Trung Quốc và Nga.

Năm 2009, cố lãnh đạo Kim Jong Il còn yêu cầu 'bộ chỉ huy số' của Bình Nhưỡng mở rộng quân số lên 3000 hacker. Mệnh lệnh này của cố lãnh đạo Kim được lưu trong tài liệu của chính phủ trong năm đó, tuy nhiên, chưa ai xác minh được tính chính xác của tài liệu này một cách độc lập.

Kim Heung-kwang sống ở Seoul từ năm 2004, ông cho rằng kể từ thời điểm đó, có rất nhiều hacker mới được tuyển dụng và một số còn được đưa sang Trung Quốc để hoạt động.

Kim Heung-kwang còn khẳng định rằng "Triều Tiên có khả năng gửi các phần mềm độc hại tới các máy tính cá nhân, máy chủ hoặc các mạng lưới để tấn công kiểu DDOS" (tấn công từ chối dịch vụ). "Mục tiêu của họ là Mỹ và Hàn Quốc".

Người sáng lập của Interhack Corp C. Matthew Curtin cho rằng với Triều Tiên thì việc mở rộng chiến tranh sang không gian số bằng cách phát triển các mã độc rải vào máy tính sẽ rẻ hơn và nhanh hơn là xây dựng các thiết bị hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt.

Thế giới trên mạng cho phép người tấn công không lộ danh tính vì rất dễ làm giả địa chỉ IP và phá hủy các bằng chứng làm lộ diện hacker.

Thurman nói rằng các cuộc tấn công kiểu này rất 'lý tưởng' cho Triều Tiên vì chúng có thể được triển khai mà không ai biết.

Các quan chức Triều Tiên phủ nhận hầu hế các cáo buộc tấn công mạng, nhưng Bình Nhưỡng không đưa ra bình luận nào về hầu hết các cuộc tấn công gần đây ở Hàn Quốc.

"Triều Tiên không có gì để mất trong một cuộc chiến số" - Kim Seeongjoo, giáo sư khoa Quốc phòng Số tại đại Học Hàn Quốc, nói.

"Ngay cả khi Triều Tiên chính là tác giả các cuộc tấn công vừa qua, thì Hàn Quốc cũng không có mục tiêu nào để trả đũa" - ông Kim Seeongjoo nói.

32.000 máy tính và các máy chủ của ba kênh truyền hình Hàn Quốc và ba ngân hàng đã bị cắt đứt liên lạc và hoạt động kinh doanh trong vụ tấn công gần đây nhất cách đây vài ngày.

Hàn Quốc không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đứng sau các cuộc tấn công này. Một số phần mềm độc hại được phát hiện có dấu vết từ máy tính ở Seoul, một số có nguồn gốc từ Mỹ, các quốc gia châu Âu, Trung Quốc.

Năm 2009, Hàn Quốc cho rằng sáu cuộc tấn công nhằm vào Seoul khi đó xuất phát từ Triều Tiên.

Lê Thu (theo AP)