Chuyến công du của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Bắc Kinh ngày hôm nay được cho là một nhân tố có thể làm cho cục diện của khu vực Đông bắc Á có nhiều biến chuyển, đặc biệt là liên quan tới vấn đề Triều Tiên.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Yonhap

Cuộc chơi thay đổi

Chuyến công du này sẽ được giới phân tích theo dõi sát sao, vì thông qua chuyến thăm này sẽ cho thấy mức độ Trung Quốc cam kết với Seoul nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Mặt khác, mức độ ưu tiên của bà Park đối với Trung Quốc cũng được thấy rõ khi bà quyết định tới Bắc Kinh - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên -  ngay sau khi vừa tới Mỹ hồi tháng Năm vừa qua.

Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong hội đàm giữa bà Park và ông Tập Cận Bình sẽ không nằm ngoài chương trình hạt nhân của Triều Tiên, củng cố quan hệ kinh tế song phương và các hợp tác khác.

Seoul chắc chắn không bỏ qua cơ hội làm việc với Trung Quốc khi mà gần đây, Bắc Kinh thể hiện quan điểm cứng rắn bất thường với Bình Nhưỡng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng.

Hồi đầu tháng này, ông Tập Cận Bình cũng nhất trí với ông Obama rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ được công nhận là một cường quốc hạt nhân và cần phải từ bỏ các tham vọng vũ khí hạt nhân. Đây được cho là một quan điểm thẳng thừng bất ngờ từ phía Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhắc lại rằng bà muốn tận dụng cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc để tranh thủ Bắc Kinh trong việc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng, buộc họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân và trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Những người lạc quan có thể kỳ vọng việc Trung Quốc có thể bày tỏ cam kết chắc chắn hơn để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong chuyến công du của Tổng thống Hàn Quốc.

Các thông tin trên mặt báo hai nước cho thấy hai bên lên kế hoạch để đưa ra một bản thông cáo chung, trong đó đưa ra hứa hẹn sẽ làm việc cùng nhau để tiến hành phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng.

Cục diện mới

Bước đi của bà Park trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên không ồn ào nhưng có những hiệu quả đặc biệt. Trong suốt những tháng căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc leo thang, Bình Nhưỡng được cho là muốn 'bắt cóc' Seoul để gây sức ép trực tiếp vào Washington.

Những cầu nối đối thoại liên Triều đều do Bình Nhưỡng chủ động cắt đứt. Mục đích chính của việc này là Bình Nhưỡng muốn trực tiếp 'ra giá' với Washington. Thực tế này đã được kiểm chứng ngay khi Triều Tiên liên tục hối thúc Mỹ đối thoại tay đổi trong khi vừa chủ động hủy cuộc gặp song phương với Hàn Quốc chỉ vì lý do 'lễ tân'.

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc - người có thể nói thành tạo tiếng Trung - đã nhanh chân hơn khi không chỉ làm việc với Mỹ mà còn tranh thủ Bắc Kinh một cách mau lẹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi bà Park là 'người bạn cũ' trong khi tiếp đón trọng thị ngày hôm nay.

Trong khi đó, lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên chưa hề có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi lên nắm quyền thay cha cách đây hơn 1 năm.

Chuyến công du của bà Park chắc chắn cũng đối nghịch hẳn với sự tiếp đón lạnh nhạt mới đây của Bắc Kinh đối với hai quan chức cấp cao của Triều Tiên - gồm có một vị tướng quân đội và một vị quan chức ngoại giao.

Một ngày trước chuyến công du của bà Park, tờ Bưu điện Buổi sáng Bắc Kinh đã làm nức lòng Tổng thống Hàn với bài báo trong đó nói rằng bà Park mê nhân vật tướng quân Triệu Tử Long của Trung Quốc như thế nào.

Các nhà phân tích nói rằng hành động mang tính biểu tượng của Trung Quốc - đồng minh số một của Triêu Tiên - bắt tay với Hàn Quốc - đồng minh chiến lược của Mỹ - nhằm kêu gọi một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa sẽ gửi đi một thông điệp vừa rõ ràng vừa khó chịu cho lãnh đạo Bình Nhưỡng.

"Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ cố gắng nói với bà Park rằng Trung Quốc kiên định trong vấn đề phi hạt nhân hóa và sẽ động viên để trở lại các bàn đàm phán sáu bên" - nhận định của Sun Zhe, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

"Chúng ta cần có thêm nhiều nỗ lực chung giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Củng cố quan hệ Trung - Hàn sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng cho Triều Tiên" - ông Sun nói.

Điều này cũng là một minh chứng cho tình đoàn kết mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh cựu Tổng thống Lee Myung-bak không hề nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh. 

Lê Thu (tổng hợp)