Chính phủ Nhật Bản đang đặt ra các nguyên tắc chỉ đạo chung cho quốc phòng dài hạn để đáp lại tình huống an ninh đang thay đổi tại Đông Á, mang lại cho Lực lượng phòng vệ nhiều vai trò quan trọng mới, chẳng hạn như khả năng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu chống lại những đối tượng gây hấn và tạo nên một đơn vị quân sự có nhiệm vụ bảo vệ các đảo xa và vùng ven biển.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Nhật triển khai tên lửa Patriot sau khi Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân hồi đầu năm.

"Môi trường an ninh quốc gia mà chúng ta đối mặt đang thay đổi liên tục, nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta đã chứng kiến rất nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong những năm vừa qua" - Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói. "Các yêu cầu về thiết bị và mục tiêu của chúng tôi cũng vì thế mà thay đổi. Đó là lý do vì sao mà chúng tôi đang xem xét lại các nguyên tắc chỉ đạo cho quốc phòng".

Những bình luận trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi Nhật công bố sách trắng quốc phòng đầu tiên dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Tài liệu này sử dụng giọng điệu thẳng thắn hơn so với trước kia, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu thận trọng khi làm việc với các mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh quốc gia của Nhật.

Thủ tướng Abe đã thông báo một kế hoạch để khôi phục lại các nguyên tắc chỉ đạo này ngay sau khi trở lại nhậm chức vào tháng 12 vừa qua, khi mà ông muốn thiết lập lộ trình chính sách quốc phòng của Nhật trong thập kỷ tới. Các chính sách này sẽ có thể được công bố trước khi kết thúc năm nay.

Lấy ví dụ về các thay đổi an ninh khu vực khiến Nhật phải thay đổi lập trường quốc phòng, ông Onodera đã chỉ ra việc Triều Tiên 'nâng cấp tiềm lực tên lửa, vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng Hai và tiếp tục gây gổ'. Ông cũng nói tới mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng.

Một trong những chính sách mới gây tranh cãi nhất đang thảo luận là cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) khả năng tấn công phủ đầu mọi căn cứ chiến lược của kẻ thù (chính sách này thường được viện ra trong bối cảnh các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên). Vai trò của SDF bị hạn chế trong khả năng phòng vệ ngheo nghĩa hẹp nhất trong hiến pháp hòa bình của Nhật.

Ông Onodera giải thích rằng nếu như có một quốc gia khác tiến hành tấn công Nhật bằng tên lửa, Tokyo sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trước tiên. Nhưng nếu như các cuộc không kích tiếp tục và tái diễn thì việc Nhật đáp trả cũng là lẽ tự nhiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng nói thêm là trong cộng đồng quốc tế thì khái niệm này đều được nhiều bên nhất trí. "Cho tới lúc này, chúng tôi đã yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, đóng vai trò bảo vệ Nhật Bản".

"Nhưng khi chúng tôi xem xét lại việc phân chia công việc giữa Nhật và Mỹ, chúng tôi thấy cần phát triển một tiềm lực nhất định để không kích vào các căn cứ chiến lược của quân địch khi xác định rõ ràng là họ mưu tín tấn công chúng tôi. Theo chúng tôi hiểu thì trong hiến pháp Nhật có cho phép điều này".

Một khả năng khác cho phép củng cố tiềm lực quân đội Nhật là việc tạo nên một đơn vị bên trong SDF tương tự như Lính thủy đánh bộ của Mỹ. Ông Onodera nói rằng đó là vì một phần lớn vùng biển của Nhật cần được bảo vệ.

Khi tranh cãi với Trung Quốc nổ ra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông leo thang vào năm ngoái, Nhật đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự nhằm mài giũa các kỹ năng bảo vệ đảo dưới sự chỉ dẫn của quân đội Mỹ.

Hồi tháng Sáu, hơn 1.000 lính từ ba đơn vị của SDF tham gia vào cuộc tập trận chung với quy mô chưa từng có để tìm hiểu về các chiến thuật chiến tranh đổ bộ. Ông Onodera nói rằng cuộc tập trận tên là Dawn Blitz được tổ chức ở California này đã mang lại cho quân đội Mỹ và Nhật cơ hội để làm việc với nhau về mặt chiến lược. Ông nói rằng sự kiện này 'vô cùng có ý nghĩa'.

Ông Onodera nói rằng Nhật Bản cần phải mở rộng khả năng giám sát và do thám. Tokyo đã tăng cường chi tiêu cho năm tài khóa lần đầu tiên sau 11 năm qua. Một phần lớn trong số tiền tăng cường được chi cho việc nâng cấp và duy trì máy bay và các thiết bị cho công tác này.

"Nhật Bản trải dài từ bắc xuống nam. Vùng biển của chúng tôi rất rộng lớn, bao gồm rất nhiều đảo... Chúng tôi cần có tất cả mọi thiết bị nếu như muốn tiếp tục giám sát chúng" - ông Onodera nói.

Lê Thu (theo WSJ)