- Trong khi phe 'chủ chiến' của Mỹ đang hừng hực khí thế đòi không kích Syria, thì Tổng thống Obama đã đưa ra một quyết định gây sốc với cả nước Mỹ và thế giới, đó là trình lên Quốc hội xem có nên đánh hay không thay vì tự quyết.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Việc làm này của ông Obama đã nhận được nhiều phản ứng dữ dội từ phe 'chủ chiến', họ cho rằng đó là một bước trì hoãn gây nguy hiểm trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng ở Syria hiện nay.

Hơn 1.500 dân thường Syria thiệt mạng vì vũ khí hóa học do chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad sử dụng. An ninh các nước láng giềng và đặc biệt là đồng minh Israel của Mỹ bị đe dọa. Các tổ chức khủng bố có cơ hội trỗi dậy. Một Trung Đông mù mịt và nhuốm máu là điều mà nhiều người đang hình dung tới trong tương lai gần nếu không có một sự can thiệp từ bên ngoài.

Nhưng trên thực tế, hành động này của ông Obama không chỉ nhằm kéo dài thời gian, mà nó còn bộc lộ rõ tính toán và bước đi lâu dài của Washington, chứ không chỉ là một hành động 'giới hạn' ở mức độ đe dọa.

Những cái "đầu nóng" ở Nhà Trắng và Nghị viện Mỹ đã buộc phải ngồi lại với nhau để đưa ra một quyết định tỉnh táo và nghiêm túc - một quyết định đại diện cho ý chí của người dân Mỹ trong vấn đề Syria.

Sau phiên tranh cãi kịch liệt tại Nhà Trắng vào hôm qua, các Nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa đã cảnh báo về câu trả lời 'Không' sau khi Tổng thống Obama đe dọa rằng hành động quân sự có thể sẽ là một 'thảm họa'.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ đối thoại với Tổng thống Obama, Nghị sĩ diều hâu John McCain và Lindsey Graham cho rằng Nhà Trắng có thể đang nghĩ tới một chiến dịch quân sự lớn hơn so với tính toán ban đầu tại Syria, cùng với sự ủng hộ nhiều hơn nữa dành cho phe đối lập tại quốc gia đang ở tình trạng nội chiến.

"Tôi nghĩ là việc Quốc hội bỏ phiếu chống lại nghị quyết (đánh Syria) sẽ là một thảm họa" - Nghị sĩ McCain nói. "Điều đó có thể làm xói mòn uy tín của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Tổng thống Hoa Kỳ. Không ai trong chúng ta muốn điều này".

Mặc dù Tổng thống Obama nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng hành động can thiệp của Mỹ sẽ chỉ ở mức độ 'hạn hẹp', có thể chỉ là không kích bằng tên lửa (Tomahawk), nhưng ông McCain lại không nghĩ vậy. McCain nói rằng ông có nhiều 'lý do để tin rằng các cuộc không kích rất nghiêm trọng sẽ diễn ra', và không phải tự nhiên mà hàng không mẫu hạm của Mỹ được điều động trong khu vực.

Hiện nay, tổ hợp tấn công tàu sân bay USS Nimitz đang di chuyển về hướng Tây theo phía Biển Đỏ, dù chưa nhận được lệnh hỗ trợ không kích Syria.

Còn ông Graham nói rằng các kế hoạch hiện nay của Washington dường như nhằm nâng mức độ hậu thuẫn cho phe đối lập tại Syria với một kế hoạch 'chắc nịch'.

Tổng thống Obama từng tuyên bố sẽ can thiệp quân sự vào Syria khi phát hiện ra chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Nay, cờ đã đến tay, ông Obama không thể nuốt lời.

Nhưng, với tính chất nghiêm trọng của một cuộc chiến không dừng lại bên trong biên giới Syria, ông Obama khó có thể chỉ tính đến một hành động quân sự 'chớp nhoáng' khi hậu quả nó để lại cho cả khu vực sẽ là nhức nhối và bất ổn lâu dài.

Mặt khác, là người phải 'dọn dẹp' bãi chiến trường Iraq và Afghanistan - hai di sản từ thời Tổng thống George W. Bush, Obama hiểu rằng người dân Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới đã quá chán ngán việc Mỹ đem quân đi đánh đấm khắp nơi, nên nếu như Obama quyết đánh, thì mọi sự chỉ trích sẽ chỉ nhằm vào cá nhân ông.

Chính ông Obama - người từng nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình - sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử và hàng triệu người dân bị ảnh hưởng do an ninh khu vực rơi vào thế bất ổn khi đưa ra quyết định 'tấn công' Syria - một quyết định đi ngược lại luật pháp quốc tế khi hành động đơn phương mà không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vậy nên, Obama chấp nhận lùi một bước khi từ bỏ đặc quyền cao nhất của mình trong Luật Ái quốc nhưng lại đạt được ít nhất hai mục đích khi 'đá quả bóng trách nhiệm' sang cho Quốc hội Mỹ.

Thứ nhất, chấp nhận bị coi là 'không can đảm và quyết đoán', nhưng Obama đã làm theo đúng những gì mà người dân Mỹ lúc này đang mong  muốn. Theo thăm dò dư luận, 50% người dân Mỹ nói rằng không muốn đánh Syria, và 80% muốn ông Obama có sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi hành động.

Thứ hai, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch tấn công, thể diện của ông vẫn được bảo toàn. Còn nếu chiến tranh vẫn phải xảy ra, thì rõ ràng đó không phải là trách nhiệm của riêng Tổng thống Mỹ, mà đó là quyết định từ ý chí của người dân Mỹ do Quốc hội nước này làm đại diện.

Xét từ góc độ này, rõ ràng Tổng thống Barack Obama đã tính toán thận trọng hơn người tiền nhiệm George W. Bush rất nhiều.

Lê Thu