Cuộc nội chiến nhấn chìm Syria và mang tới những cáo buộc về dùng vũ khí hóa học với dân thường đã bắt đầu như một cuộc biểu tình dân sự tại thành phố Homs.
Tuy nhiên, việc trừng trị thẳng tay của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đã leo thang đầy bạo lực và kéo vào đó các phe phái tôn giáo, các nhóm Hồi giáo đối lập và các quốc gia khác.
Dưới đây là các nhóm chủ chốt trong cuộc chiến ở Syria:
Phía chính phủ
Chính quyền Assad: Do Hafez al-Assad thành lập. Ông này qua đời vào
năm 2000 và con trai ông là Bashar al-Assad lên nắm quyền kể từ đó. Chính quyền
do gia đình Assad điều hành không dung chứa bất kỳ phe đối lập nào.
Alawites: Gia đình Assad là một thành viên của phái Alawite, một bộ phận
của Shiite thuộc đạo Hồi. Phái Alawite là phe thiểu số ở Syria song lại chi phối
chính phủ và quân đội. Quân đội đặc biệt trung thành với gia đình Assad.
Hezbollah: Nhóm Shiite này đóng ở Lebanon và được Iran vũ trang.
Hezbollah được tôi luyện qua nhiều năm chiến đấu với quân Israel. Hezbollah, dựa
vào chính quyền Assad và Iran để có vũ khí, đã vào Syria và tham gia trận chiến
chống lại quân nổi dậy ở nước này. Mỹ coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố.
Iran: Quốc gia Shiite này là đồng minh thân cận nhất của ông Assad trong
cuộc nội chiến. Iran đã giúp đào tạo quân Syria và phái máy bay chở vũ khí tới
quốc gia này.
Phía đối lập
Quân đội giải phóng Syria: Lực lượng ôn hòa này nổi lên từ các cuộc biểu
tình đường phố nhưng nội bộ hiện đang bị chia rẽ.
Sunni: Người Sunni chiếm đa số ở Syria nhưng từ lâu đã bị chính quyền cho
ra rìa. Các vị trí trong Quân đội giải phóng Syria đều do người Sunni nắm giữ.
Jabhat al Nusra: Lực lượng Hồi giáo cực đoan thề trung thành với Al Qaeda
này đã lôi kéo được hàng nghìn chiến binh Hồi giáo trên khắp thế giới, quyên góp
được nhiều tiền và vũ khí từ những người ủng hộ và trở thành lực lượng tham
chiến hữu dụng nhất của quân nổi dậy. Lực lượng này áp đặt luật Sharia lên những
khu vực mà họ kiểm soát và có lúc đã đụng độ với Quân đội Giải phóng Syria.
Các nước vùng Vịnh: Ả rập Xê út và Qatar - hai nước theo chế độ quân chủ với phần đông dân số là người Sunni, luôn hăm hở chống lại ảnh hưởng của phái Shiite tại Iran. Hai nước này đã đổ vũ khí và tiền mặt cho chiến binh nổi dậy, gồm cả chiến binh Hồi giáo bất chấp sự phản đối của Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan: Các nước láng giềng của Syria đã trở thành nơi
ẩn náu cho hàng trăm nghìn người tị nạn Syria và là nguồn cung cấp vũ khí cho
quân nổi dậy.
Mắc kẹt ở giữa:
Lebanon: Nước láng giềng bé nhỏ của Syria có một lịch sử nội chiến và bạo
lực bùng phát giữa các nhóm Shiite, Sunni và Cơ đốc giáo. Khu vực của người
Shiite đã bị đánh bom để trả đũa cho việc nhóm Hezbollah trợ giúp cho chính
quyền của Tổng thống Assad. Các quan chức Lebanon lo ngại rằng nội chiến Syria có thể
vượt qua biên giới và tràn vào nước này.
- Hoài Linh (Theo ABC News)