Trao đổi với VietNamNet trưa 27/1, bà Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, xác nhận thông tin 157 cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam) đã được trả đủ số lương bị nợ từ tháng 5/2021 tới nay.

Tổng số tiền khoảng 10,2 tỷ đồng, được trích từ nguồn quỹ Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế tạm ứng trước.

Ngoài ra, với khoản 2,5 triệu đồng/người mà Công đoàn Y tế Việt Nam thông báo hỗ trợ thêm cho 157 đoàn viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh dịp Tết, bà Bình cho biết, trong ngày 27/1, tập đoàn tài trợ sẽ chuyển nốt 200 triệu đồng. Sau đó, 157 cán bộ y tế sẽ được nhận đủ khoản này. 

Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là 1 trong 157 nhân viên y tế bị nợ lương suốt thời gian dài. Chị chia sẻ, tối muộn 25/1, tất cả cán bộ đã nhận đủ số lương bị nợ, gồm 50% lương từ tháng 5 đến tháng 11/2021 và toàn bộ lương tháng 12/2021, tháng 1/2022.

“Tôi cảm thấy rất vui. Xin cảm ơn tất cả ban ngành, đoàn thể cũng như các cơ quan ngôn luận báo chí đã chia sẻ với chúng tôi, góp tiếng nói để câu chuyện được giải quyết”, chị nói.

Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ sự lo lắng về tương lai phía trước.“Chúng tôi rất lo, sau khi Tết xong, khi quay lại guồng làm việc bình thường, không biết cuộc sống sẽ như thế nào. Bệnh viện đến nay vẫn chưa có thông báo tới chúng tôi về phương án làm việc cũng như sẽ lấy nguồn kinh phí nào để chi trả lương cho nhân viên trong giai đoạn tới”, chị tâm sự.

{keywords}
Hình ảnh nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường, cầm băng rôn đòi lương - Ảnh: T.Vy

Chị Lê Thanh Huyền, Khoa Phụ sản - nữ nhân viên y tế phải đi bán rau mưu sinh sau giờ làm, chia sẻ, dù đã được nhận đủ tiền lương nhưng chị cảm thấy “không quá vui”.

“Đây là tiền của mình, đáng ra phải được nhận lâu rồi. Nhưng bây giờ chúng tôi phải đấu tranh, phải rất vất vả mới nhận lại được. Hơn nữa, vì tương lai còn chưa biết thế nào nên tôi lo lắm. Chỉ biết hôm nay, không biết ngày mai ra sao. Chúng tôi chưa thấy phương hướng gì từ bệnh viện cả”, chị Huyền nói.

Suốt khoảng thời gian bị nợ lương trước đây, chị Huyền phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Đến nay nhận lương về, đem đi trả nợ cả nên không có đồng để ra. Chưa kể, số tiền cũng không quá nhiều, nợ chưa thể trả hết.

Chị Huyền cho biết bản thân chưa có dự định cho tương lai, trước mắt vẫn sẽ đi bán rau để có thêm thu nhập.

Theo chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, mong muốn lớn nhất của tất cả cán bộ y tế là sớm nhận được kế hoạch, câu trả lời rõ ràng về hiện trạng và tương lai của Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Từ đó, có cơ sở, niềm tin tiếp tục cống hiến và làm việc.

Trước đó, hôm 13/1 vừa qua, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế để Học viện được phép cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng từ nguồn quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện.

Đồng thời, Học viện này đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của Bộ Y tế, tạm ứng trước cho bệnh viện với số tiền 10,2 tỷ đồng để có kinh phí chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 cho cán bộ viên chức và người lao động.

Những ngày đầu tháng 1, hình ảnh hàng chục nhân viên y tế cầm băng rôn: “Hãy trả lương cho chúng tôi”; “Nhân viên bị bỏ đói”… trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh gây xôn xao dư luận.

Theo phản ánh của nhân viên bệnh viện, phần lớn cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh là điều dưỡng viên, hệ số lương của người lao động rất thấp. Nhưng từ tháng 5-11/2021, 158 nhân viên y tế của bệnh viện (hiện 1 người đã chuyển công tác sang đơn vị khác) chỉ được nhận 50% tiền lương. Đến tháng 12/2021, họ không được nhận lương và tháng 1/2022 dự báo không có lương với lời giải thích “không có nguồn thu vào để chi được lương”.

Các y bác sĩ tâm sự, tình trạng này chưa bao giờ xảy ra tại đơn vị cho đến năm 2019 khi có quyết định Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Nhà nước và Học viện. Nhân viên y tế bị cắt hết thưởng chỉ còn lương, tuy nhiên năm 2021 vừa rồi, lương cũng không được đảm bảo.

Việc này đã khiến cuộc sống nhân viên y tế vô cùng khó khăn. Sau giờ làm, nhiều người phải đi bán rau, ship hàng, chạy xe ôm… để kiếm sống.

Nguyễn Liên

Lương vẫn ‘trên giấy’, nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh tiếp tục xuống đường đòi quyền lợi

Lương vẫn ‘trên giấy’, nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh tiếp tục xuống đường đòi quyền lợi

Chiều 20/1, nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh tiếp tục xuống đường đòi quyền lợi. “Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được số lương bị nợ”, đại diện gần 160 nhân viên bị nợ lương, cho biết.