Tại Hà Nội, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày mai 8/3, 100 y bác sĩ, nhân viên đầu tiên tại bệnh viện sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Những người này gồm một số y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Virus - Ký sinh trùng, Nội tổng hợp và y bác sĩ, nhân viên các khoa, phòng khác.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các chuyên gia y tế kiểm tra các khâu chuẩn bị để tiêm 80 liều đầu tiên

Việc tiêm chủng sẽ diễn ra tại Trung tâm Phòng chống dịch của Bệnh viện với 3 bàn tiêm. Các trang thiết bị, vật tư cũng như địa điểm theo dõi sau tiêm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24 giờ tại Bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có hệ thống kho lạnh từ âm 70 đến âm 80 độ C, có thể đảm bảo an toàn cho tất cả các loại vắc xin, kể cả vắc xin Covid-19.

Dự kiến sáng sớm mai, các liều vắc xin này sẽ được vận chuyển từ kho trung tâm của VNVC tại quận Đống Đa về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Việc tiêm chủng dự kiến bắt đầu khoảng 8h sáng.

Trước đó, ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký thay Bộ trưởng quyết định về việc phân bổ vắc xin phòng dịch Covid-19. 14 địa phương, đơn vị và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nằm trong danh sách được phân phối vắc xin để tiêm chủng trong đợt đầu tiên vào ngày 8/3. 

Theo công văn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận được 450 liều vắc xin, sẽ chia thành nhiều đợt tiêm.

Tại TP.HCM, chiều 7/3, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, sáng mai, 8/3, 100 cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Theo bác sĩ Châu, trong vòng 1 tuần bệnh viện sẽ triển khai tiêm cho tổng số 900 nhân viên y tế của bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện là nơi tiếp nhận điều trị ca nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 và nghiên cứu về Covid-19. Ngoài điều trị bệnh nhiễm khu vực phía nam, bệnh viện còn thực hiện tiêm chủng ngừa một số loại vắc xin nên có kinh nghiệm trong tiêm và xử lý các tình huống sau tiêm.

Trước khi tiêm vắc xin Covid-19 lần này, bệnh viện đã xây dựng kịch bản, tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.

Buổi tiêm dự kiến bắt đầu diễn ra từ 7h30 tại bệnh viện. Hiện mọi công tác chuẩn bị cho buổi tiêm ngày mai đã hoàn tất.

Tại Hải Dương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh cho biết, sáng mai, tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt đầu tiên.

Theo đó, 80 người trong nhóm nguy cơ cao sẽ được ưu tiên cho tiêm trước. Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người. 

Sau đó, Hải Dương sẽ đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương khác.

Nhà nước đã quyết định phân bố đợt 1 cho Hải Dương 33.000 liều vắc xin, bắt đầu triển khai từ ngày 8/3.

Hôm nay, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng các chuyên gia Bộ Y tế đã kiểm tra việc chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.

Ông Thăng nhấn mạnh: “Đây là việc rất quan trọng đối với công tác phòng chống dịch nên các địa phương cần chuẩn bị thật nghiêm túc, khoa học, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào”.

Các điểm tiêm đang được vệ sinh sạch sẽ. Khu vực khuôn viên, điểm chờ, nơi đón tiếp, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng chống sốc phản vệ đều phải khử khuẩn, bố trí hướng dẫn theo quy định.

“Danh sách người được tiêm đợt đầu này cần lựa chọn nhiều thành phần như cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng truy vết và các nhân viên lấy mẫu xét nghiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh.

Cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tiêm phải là người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tâm lý vững vàng. Công tác lập danh sách, quản lý người được tiêm cần thực hiện chặt chẽ và sử dụng công nghệ thông tin.

Tại buổi kiểm tra, chuyên gia của Bộ Y tế đề nghị địa điểm tiêm cần bố trí các phòng rộng rãi, thoáng, đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cần thiết. Công tác theo dõi người sau tiêm cần thực hiện sát sao và có phương án xử lý tình huống đột xuất.

Trong ngày mai, Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho 13 tỉnh, thành phố có dịch, gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Giang, Bình Dương, TP.HCM, Gia Lai.

Nguyễn Liên - Thu Hằng - Hải Yến

Số liều vắc xin Covid-19 cụ thể được phân bổ về từng đơn vị

Số liều vắc xin Covid-19 cụ thể được phân bổ về từng đơn vị

14 địa phương, đơn vị và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được phân phối vắc xin Covid-19 để tiêm chủng trong đợt đầu tiên.