Ngày 16/11, Đức ghi nhận hơn 53.000 ca Covid-19 mới, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đây là lần đầu tiên đất nước phải đối mặt với một làn sóng lớn mặc dù phần lớn dân số của họ đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.

{keywords}

Khách hàng bên ngoài khu mua sắm ở Berlin (Đức). Ảnh: Xinhua

Dưới đây là những lý do tại sao số ca nhiễm ở Đức đang tăng vọt:

Ảnh hưởng của những người chưa tiêm vắc xin

Khoảng 67% người dân ở Đức được tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19. Nhưng các chuyên gia cảnh báo ngay từ đầu đợt triển khai rằng con số này không đủ cao để kiểm soát virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Christine Falk, Chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Đức, cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng vẫn dưới 75% dân số. Kết hợp với việc thiếu các hạn chế tiếp xúc, điều này khiến virus SARS-CoV-2 hầu như chỉ lây lan ở những người chưa được chủng ngừa".

Viện Robert Koch là cơ quan của chính phủ Đức, chịu trách nhiệm về phòng chống bệnh tật. Theo đơn vị này, tỷ lệ nhập viện đối với những bệnh nhân từ 18 đến 59 tuổi chưa được tiêm vắc xin Covid-19 hiện cao hơn khoảng 4 lần so với những người đã được tiêm chủng. Đối với bệnh nhân trên 60 tuổi, tỷ lệ này cao hơn 6 lần.

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi những người hoài nghi vắc xin thay đổi ý kiến ​​và kêu gọi phân phối nhanh hơn các mũi tiêm nhắc lại.

Miễn dịch suy giảm

Mặc dù vắc xin làm giảm đáng kể nguy cơ trở nặng và tử vong nhưng không bảo vệ hoàn toàn khỏi khả năng nhiễm bệnh. Với số ca mắc tăng vọt, nguy cơ nhiễm Covid-19 cũng tăng lên đối với những người được tiêm chủng.

"Số lượng ca Covid-19 ngày càng nhiều cũng làm tăng áp lực lên những người được tiêm chủng, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh ở đối tượng này rất nhỏ", Tiến sĩ Falk nói.

Những người được tiêm chủng có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn nếu là người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn. Đức đang tiến hành tiêm nhắc lại cho những người đã được chủng ngừa đầy đủ hơn 6 tháng trước.

Ít giới hạn hơn

So với đầu năm 2021, Đức đã nới lỏng các biện pháp giãn cách trong làn sóng thứ tư này.

Khoảng một năm trước, chính phủ đã đưa ra các quy tắc chuyển dần thành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt: Tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa và tạm thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Cùng với việc triển khai vắc xin, những biện pháp đó đã khiến tỷ lệ mắc Covid-19 của Đức giảm vào mùa xuân.

Hiện nay, người dân ở Đức phải đối mặt với những quy định ít cứng rắn hơn: Họ phải đeo khẩu trang y tế trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng. Hầu hết các địa điểm chỉ chấp nhận khách hàng đã tiêm phòng, đã khỏi sau khi mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.

Biến thể Delta dễ lây lan hơn

Năm nay, Delta, một chủng dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, trở thành biến thể chủ yếu ở Đức và nhiều nơi trên thế giới.

Biến thể trên dễ lây hơn 2 lần so với các biến thể trước đó. Delta có thể khiến những người chưa được tiêm phòng gặp phải các triệu chứng tồi tệ hơn.

Hiệu ứng theo mùa

Một yếu tố khác thúc đẩy làn sóng thứ tư của Đức là mùa đông đang đến gần.

Tiến sĩ Falk cho biết: “Biến thể Delta thích cái lạnh. Chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong nhà, điều này làm cho virus lây lan dễ dàng hơn”.

Đức không phải là nơi duy nhất

Các quốc gia châu Âu khác như Áo, Hà Lan và Bỉ cũng đang chứng kiến ​​tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt khi các yếu tố trên kết hợp với nhau.

Tiến sĩ Falk khuyến cáo mọi người hãy hành động khôn ngoan trong đợt dịch thứ tư như thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện các xét nghiệm ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Nhưng trên hết, vị chuyên gia này khuyến khích những người chưa tiêm vắc xin hãy đi chủng ngừa.

“Nếu chúng ta không khẩn trương tăng tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thì sẽ khó kiểm soát được tình hình. Vắc xin là giải pháp tốt nhất có thể nhưng vẫn có quá nhiều người từ chối chúng", Tiến sĩ Falk nói.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

An Yên (Theo DW, Reuters)

Đất nước có hơn 40% dân số đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19

Đất nước có hơn 40% dân số đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19

Hơn 4 triệu người trong tổng số 9,5 triệu dân Israel đã hoàn thành việc tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường.