Bà P.T.A (1937) sống cùng con cháu trong một con hẻm thuộc phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (TP.HCM). Khoảng cuối tháng 9/2021, bà bị mắc Covid-19.

Vì lớn tuổi, chưa tiêm vắc xin, bị tim mạch, bà được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3. Suốt 20 ngày nằm viện, gia đình thấp thỏm không yên khi nguy cơ chuyển nặng rất lớn.

{keywords}
Bà P.T.A 86 tuổi được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên ngày 20/1.

“Lúc đó bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh có liên hệ tiêm cho bà nhưng vì là F0 nên phải chờ. May mắn sao bà khỏi bệnh, khỏe mạnh, xuât viện về nhà”, chị Nguyễn Thị Hội, con gái bà chia sẻ.

Lần thứ 2, bác sĩ tiếp tục đến nhà nhưng bà bị huyết áp cao, sốt cao nên phải trì hoãn. Quá tam ba bận, đến ngày 20/1, tình trạng sức khỏe ổn định, bà P.T.A, 86 tuổi, được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên.

“Lúc bị bệnh (Covid-19) tôi chỉ hơi mệt mệt, uống thuốc bổ rồi. Cảm ơn bác sĩ trai, bác sĩ gái đã đến tận nhà khám bệnh và tiêm thuốc. Cảm ơn nhiều!!!”, cụ bà 86 tuổi vui vẻ. Liều vắc xin này còn giúp con cái bà thêm yên tâm chuẩn bị đón tết, vì cả gia đình đã được chủng ngừa đầy đủ.

Chị Hội cho biết: "Mẹ tôi có nhiều bệnh, không đi lại được đã nhiều năm. Khi biết bệnh viện tiêm vắc xin tại nhà tôi liền đăng ký nhưng bác sĩ đến 2 lần đều phải hoãn. Bà gần 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, tinh tường".

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng dặn dò người nhà theo dõi sức khỏe bà P.T.A.

“Cụ P.T.A là một trong số ít trường hợp đến nay mới tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19. Có khá nhiều lý do, như khi đến lịch tiêm thì các cụ là F0, hoặc bệnh nền không ổn định…

Vì vậy, chúng tôi duy trì việc thăm khám và tiêm vắc xin tại nhà người bệnh từ tháng 9/2021 cho đến khi không còn người bệnh bị bỏ sót…”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết.

Theo danh sách đã hẹn, sau bà P.T.A là 2 trường hợp trên 90 tuổi. Bên trong con hẻm ngoằn ngoèo của phường Phước Long A, TP Thủ Đức, 2 bà cụ đẹp lão đã khăn áo chỉnh tề, chờ bác sĩ Hùng và đồng nghiệp từ sớm.

Bà N.T.B (90 tuổi) và bà N.T.P (92 tuổi) đều đã tiêm 2 mũi vắc xin Moderna ở điểm tiêm cộng đồng. Người nhà đăng ký với bệnh viện để được tiêm mũi 3 – mũi  tăng cường sau khi đủ thời gian quy định. 

“Tôi năm nay 90 tuổi rồi, tiêm liều vắc xin này là sống đủ 100 tuổi. Tiêm vắc xin xong vẫn được uống cafe sáng đúng không bác sĩ? Tôi hỏi cho kỹ sợ nó nguy hiểm”, cụ B. hóm hỉnh chia sẻ.

Ở 2 lần tiêm trước, cụ không gặp biến chứng hay phản ứng phụ nào nghiêm trọng. Trong suốt đợt dịch vừa qua, người nhà không cho các cụ giao tiếp với người lạ hay đi thăm bạn bè vì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Khi có đủ 3 mũi vắc xin như mọi người trẻ tuổi khác, các cụ đã được bảo vệ an toàn chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Lần này, 2 cụ được tiêm vắc xin Covid-19 do Pfizer sản xuất.

{keywords}
"Tôi 90 tuổi, tiêm thêm mũi vắc xin là yên tâm sống được 100 tuổi", bà N.T.B nói vui.

Trong khi đó, ông C. bị tai biến nhiều năm, không đi lại được. Đội tiêm phải đi bộ xuyên qua một khu nghĩa trang để đến nhà người bệnh.

Anh Trần Thiện Hữu, con trai ông cho biết, khi TP tổ chức các điểm tiêm cộng đồng, sức khỏe của ông không ổn định. Vừa lo bố nhiễm bệnh nơi đông người, vừa lo nguy cơ sốc thuốc, nên gia đình chần chừ, trì hoãn.

Mãi đến ngày 31/12/2021, anh Hữu đưa bố đến một trường học tiêm mũi đầu tiên. Để giảm tiếp xúc với người lạ, anh chọn đi vào lúc đầu giờ chiều, rất nắng nóng. 

Ngày 20/1, ông cụ được tiêm mũi 2 mà không cần phải đi lại vất vả.

“Được bác sĩ đến tận nhà tiêm mũi 2 thế này thì rất an tâm cho người bệnh như bố tôi. Cụ tai biến, đi bằng xe lăn, sức khỏe kém. Mình chỉ băn khoăn nếu có phản ứng sốc thuốc thì không xử lý tốt được như ở bệnh viện”, anh Hữu nói.

Ngay sau đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng hướng dẫn kỹ lưỡng anh Hữu việc theo dõi các phản ứng và cách liên hệ với bác sĩ khi cần tư vấn. Đây là công việc nhiều tháng qua của anh và đồng nghiệp tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. 

{keywords}
Đội tiêm Bệnh viện Lê Văn Thịnh trên đường tiêm vắc xin cho các cụ già.

Ngoài tiêm vắc xin, các bác sĩ còn kiểm tra hồ sơ sức khỏe, toa thuốc của bệnh nhân, đồng thời điều chỉnh thuốc cho phù hợp với tình trạng hiện tại.  

Theo bác sĩ Hùng, giai đoạn đầu, việc tiêm ngừa tận nhà cũng có không ít khó khăn. Đặc biệt là vì tình hình giãn cách xã hội, đường xá bị rào chắn, có bác sĩ phải trèo rào đến rách đồ bảo hộ hoặc lội bùn vào những nơi hẻo lánh.

“Hầu hết người dân đều thương mình nhưng cũng có người yêu cầu phải có công an khu vực đi cùng, giấy tờ đóng dấu mới tin tưởng. Hoặc người nhà đồng ý tiêm nhưng người bệnh lại không chịu, thuyết phục sao cũng không được, anh em dẫn nhau đi về.

Mặc dù vậy, chúng tôi tâm niệm, phải cố gắng tiêm cho hết những người già, người bệnh, người không đi lại được. Nếu mắc Covid-19, các cụ sẽ phải nhập viện, bệnh rất nặng thậm chí là tử vong”, bác sĩ Hùng chia sẻ. 

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tất cả người bệnh đều được gọi điện liên hệ trước khi đội tiêm đến nhà. 

{keywords}
Dặn dò người nhà cách theo dõi sức khỏe sau tiêm cho các cụ già.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP có khoảng 25.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Con số này được thống kê từ ngày 7/12/2021 tại 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Đến nay, các địa phương đã tiêm được 19.957 trường hợp trong số đó.

Trong tháng 2/2022, TP.HCM sẽ mở rộng nhóm nguy cơ cần bảo vệ gồm người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19… Đây là chiến dịch giúp giảm rõ rệt số ca tử vong vì Covid-19 tại TP.HCM hơn 1 tháng qua.

Linh Giao

Người trên 18 tuổi không tiêm vắc xin Covid-19 sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao

Người trên 18 tuổi không tiêm vắc xin Covid-19 sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao

Từ tháng 2, TP.HCM sẽ mở rộng đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, thay vì chỉ bao gồm người trên 65 tuổi, có bệnh nền như hiện nay.