Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi Trần Văn T. (8 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) bị đuối nước. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, miệng mũi xuất tiết nhiều dịch và suy hô hấp độ III, tiên lượng nặng.
Mẹ cháu bé cho biết, chiều ngày 18/3, T. đi câu cá với nhóm bạn ở ao gần nhà. Sau đó, bạn cháu vội vã chạy về, báo T. bị ngã chìm xuống ao (không rõ thời gian chìm dưới nước bao lâu). Ngay lập tức, bố cháu bé đã nhờ người gọi nhân viên y tế và lặn xuống ao cứu cháu lên.
Khi đưa lên bờ, bệnh nhi đã tím tái, ngừng thở. Nhân viên y tế nhanh chóng tiến hành sơ cứu. Sau khoảng 10 phút, T. có phản xạ, gia đình liền đưa cháu tới Trung tâm Y tế huyện trước khi chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy trẻ vẫn hôn mê, toàn thân tím tái, miệng mũi xuất tiết nhiều dịch, tăng trương lực cơ, phổi nhiều ran ẩm và hút dịch có bọt hồng.
Xác định định bệnh nhi đang nguy kịch tính mạng vì có dấu hiệu phù phổi cấp, các bác sĩ nhanh chóng hút dịch mũi miệng, bóp bóng qua mặt nạ có oxy, cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Đồng thời, điều chỉnh thăng bằng kiềm - toan, cân bằng nước điện giải và theo dõi sát toàn trạng của trẻ.
Bệnh nhi thời điểm được cho thở máy - Ảnh: Hiền Chúc |
Sau 1 ngày thở máy xâm nhập, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, trẻ được ngừng dùng máy thở để chuyển sang thở oxy mask. Sau đó, bác sĩ tiếp tục chăm sóc, điều trị cho tới khi sức khoẻ trẻ ổn định. Hiện bệnh nhi đã được xuất viện, về với gia đình.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy, khiến các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ.
Thực tế, trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước và chưa nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân, do vậy tai nạn đuối nước dễ xảy ra.
Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật rất quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị đuối nước, phụ huynh cần tìm mọi cách đưa con lên khỏi mặt nước, sau đó đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí. Tùy thuộc vào phương tiện có sẵn tại chỗ, tình trạng trẻ tỉnh hay hôn mê, có bị ngừng tim, ngừng thở hay không và tình hình thực tế (đuối nước tại sông, hồ hay biển, nước lặng hay nước chảy xiết, nước nông hay sâu, gần bờ hay xa bờ) mà cấp cứu bằng các cách khác nhau.
Nếu trẻ ngừng thở, ngừng tim, bệnh nhi cần được được cấp cứu thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực ngay. Nếu chậm trễ, não và các cơ quan sẽ thiếu oxy kéo dài khiến tế bào não chết, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng não nặng nề. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhi Trần Văn T. thời điểm sức khỏe đã ổn định, chuẩn bị được ra viện - Ảnh: Hiền Chúc |
Trong quá trình sơ cứu đuối nước, nên tránh các sai lầm thường gặp như: hơ lửa làm ấm cơ thể trẻ vì dễ khiến trẻ bị bỏng; dốc ngược trẻ hoặc vác lên vai rồi chạy cho nôn nước ra (không cần thiết, không hiệu quả mà còn tăng nguy cơ hít sặc).
Để giảm tai nạn đuối nước cho con, cha mẹ cần nhắc con không chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch... những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Không để trẻ nhỏ ở nhà 1 mình. Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
Khi trẻ đi đến hồ bơi, người lớn nên đi cùng. Chỉ nên cho con bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ. Đặc biệt, cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi tắm biển hay tắm sông, chỉ nên cho trẻ tắm gần bờ.
Phụ huynh cũng nên cho con em tham gia các lớp học kỹ năng bơi an toàn; tự trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp.
Hiền Chúc
Suy gan thận nguy kịch sau khi dùng thuốc nam chữa viêm khớp
Mỗi khi có người mách về loại thuốc nam có thể chữa khỏi bệnh, bà Đ. lại lặn lội tìm mua.