Trưa 13/10, ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc xác nhận với VietNamNet thông tin về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại đơn vị này.

Ông Chiến cho biết, em bé chào đời 6h sáng ngày 10/10, nặng 3.5kg. Sản phụ sinh lần ba, đẻ thường, quá trình sinh không gặp vấn đề bất thường. Sau sinh, sản phụ và em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Khoảng 13h30’ cùng ngày, bé và hơn 10 trẻ sơ sinh khác được tiêm vaccine viêm gan B, sau đó theo dõi đúng quy trình tại Khoa Sản của bệnh viện. Tất cả trẻ đều không xảy ra bất thường sau tiêm.

Tuy nhiên, đến 20h, trường hợp nói trên đột ngột tím tái, được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu và chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Vĩnh Phúc đang tiến hành kiểm tra lô vaccine đã tiêm cho trẻ, Bệnh viện Nhi Trung ương điều tra nguyên nhân khiến trẻ tử vong, hiện chưa có kết luận.

Ông Chiến thông tin thêm, tất cả trẻ sơ sinh cùng được tiêm vaccine viêm gan B trong ngày 10/10 tại bệnh viện hiện chỉ có 1 cháu bé gặp sự cố.

Bước đầu, các bác sĩ đang nghĩ nhiều đến trường hợp trẻ bị thiếu men chuyển hóa. “Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong chỉ có thể được khẳng định thông qua xét nghiệm. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ kết luận chính thức từ phía Bệnh viện Nhi Trung ương”, ông Chiến cho hay.

Vaccine viêm gan B nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (gồm 12 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến). Tất cả trẻ sơ sinh được khuyến cáo tiêm 1 mũi vaccine ngừa viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh. Ngoài mũi sơ sinh, trẻ được khuyến cáo tiêm thêm 3 mũi vaccine phòng viêm gan B theo phác đồ: mũi 2 sau mũi 1 một tháng, mũi 3 sau mũi 2 một tháng, mũi 4 được tiêm nhắc lại sau 1 năm.

Nguyễn Liên

Bé sơ sinh chằng chịt vết nứt sâu khắp cơ thể do mắc bệnh hiếm gặp

Bé sơ sinh chằng chịt vết nứt sâu khắp cơ thể do mắc bệnh hiếm gặp

Em bé mắc dạng bệnh khô da như vảy cá cực kỳ hiếm, thuộc nhóm bệnh di truyền gene lặn với tỷ lệ mắc khoảng 1/500.000.