Ca bệnh đặc biệt được TS Lê Quỳnh Chi, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo Miễn dịch - Dị ứng – Khớp ngày 4/12.

Bệnh nhi là bé trai 10 tuổi, sống tại Hà Nội, được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch do sốc phản vệ sau khi ăn 1 chiếc burger (bánh kẹp thịt).

Gia đình biết, con trai bị dị ứng bột mỳ từ bé nhưng chưa từng đưa con đi khám. Thay vào đó, gia đình tự cho con tập ăn từng chút bột mỳ với hy vọng để cơ thể con quen dần. Có lúc, bé từng ăn được nửa ổ bánh mỳ và không sao, cha mẹ yên tâm nghĩ con đã hết dị ứng.

Cách đây 1 tuần, cậu bé ăn trọn vẹn 1 chiếc burger tại tiệc sinh nhật của mình. Sau đó ít phút, bé nổi phát ban khắp người, khó thở rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc phản vệ, bất tỉnh.

“Khi chuyển tới bệnh viện, tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, lập tức được các bác sĩ cấp cứu bằng phác đồ sốc phản vệ. May mắn đến viện kịp thời nên cháu bé đã qua khỏi sau 1 tuần nằm viện, không phải lọc máu”, TS Chi thông tin.

{keywords}

TS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương

 

Theo TS Chi, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh dị ứng – miễn dịch – khớp ngày càng tăng, trung bình 10-15% mỗi năm.

Riêng với dị ứng, các tác nhân phổ biến nhất là kháng sinh, vắc xin, thức ăn, sữa, hải sản, các loại hạt… Trong đó chỉ tính riêng dị ứng kháng sinh, trung bình mỗi tuần khoa tiếp nhận 10 ca.

Với dị ứng thức ăn, khoa từng thực hiện nghiên cứu cho thấy, có tới 94,2% trẻ dưới 2 tuổi có tiền sử dị ứng 1-3 lần với thức ăn và gần 60% trẻ có biểu hiện lâm sàng sau vài phút đến dưới 1 giờ.

Đặc điểm lâm sàng dị ứng thức ăn rất đa dạng, trong đó 88,4% trẻ có biểu nhẹ ở ngoài da, niêm mạc 88,4%, tiêu hóa 88,4%, hô hấp 44,2% và 15,1% trẻ bị dị ứng toàn thân, nặng nhất là sốc phản vệ.

“Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài phút”, TS Chi nhấn mạnh.

Dị ứng thức ăn thường xảy ra trên cơ địa mẫn cảm, có tính di truyền. Trên toàn cầu hiện có khoảng 220-250 triệu người bị dị ứng thức ăn. Có khoảng 5-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn, trong khi tỉ lệ này ở người lớn chỉ 1-2%.

Nguyên nhân được xác định do hệ thống men tiêu hoá của trẻ còn non yếu, khả năng thấm của tế bào ruột cao hơn người lớn, nồng độ kháng thể IgA tiết giảm…

Khi trẻ bị dị ứng thức ăn thường đi kèm các bệnh lý dị ứng khác như chàm (chiếm 90%), 10% bị hen phế quản kèm theo. Trẻ bị dị ứng thức ăn dưới 2 tuổi có nguy cơ cao bị hen lúc 7 tuổi.

TS Chi khuyến cáo, ngay khi phát hiện con có dấu hiệu dị ứng, cha mẹ đưa đến khám tại các chuyên khoa dị ứng để được tư vấn, điều trị giúp trẻ giảm dị ứng bền vững, không cần kiêng khem quá mức.

“Cha mẹ không tự ý cho trẻ tập ăn đồ ăn trẻ bị dị ứng. Để giải mẫn cảm cần phải có phác đồ cụ thể. Việc ăn bao nhiêu, ăn khi nào cần được bác sĩ thăm khám, đánh giá chi tiết, sau đó xét nghiệm lại kháng thể IgE đặc hiệu trong máu, từ đó mới điều chỉnh tăng liều hay giảm liều”, TS Chi nói.

TS Chi cũng lưu ý, với trẻ có cơ địa dị ứng, cha mẹ cần dự phòng ít nhất 1-2 bút tiêm Adrenaline trong nhà hoặc để trẻ mang theo khi đi học, đi chơi xa nhà. Khi trẻ bị sốc phản vệ, cần tiêm ngay 1-2 mũi Aderaline rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu, điều này tránh cho trẻ tử vong.

Thúy Hạnh

Hành trình nghẹt thở cứu con 5 tháng từ cõi chết vì sốc phản vệ khi uống sữa bột

Hành trình nghẹt thở cứu con 5 tháng từ cõi chết vì sốc phản vệ khi uống sữa bột

- Sau uống sữa bột, bé gái bắt đầu nổi mẩn đỏ, hơn 1 tiếng sau nôn ra sữa, tím tái chân và tay, được xác định sốc phản vệ do uống sữa.