"Đây là trường hợp kỷ lục về thời gian nằm viện, thời gian ECMO và viện phí tại bệnh viện", Thượng tá Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết.

Trường hợp mà bác sĩ Ân nhắc đến là chị Lê Thị Thanh Thảo, 33 tuổi, ở quận 8, TP.HCM.

Khi mang thai ở tuần 37, chị được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi điều trị Covid-19. Bé trai chào đời cũng chính trong phòng mổ cách ly, âm tính với nCoV.

Tuy nhiên, tình trạng của người mẹ rất nặng vì suy hô hấp sau đó.

{keywords}

Bác sĩ Trung tâm Điều trị Covid-19 bên bệnh nhân Thảo và gia đình

Ngày 27/7, chị Thảo được chuyển về Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện 175 và được đặt ECMO. Đây cũng là ca đặt ECMO đầu tiên của Trung tâm sau khi thành lập.

Tình trạng sản phụ cải thiện tốt. Tuy nhiên, màng ECMO bị tắc sau 2 ngày, tình huống nguy kịch tương tự bệnh nhân 91 (phi công người Anh). Ê-kíp nhanh chóng cấp cứu, thay màng lọc trong đêm.

Ngày 11/8, các bác sĩ quyết định cai ECMO cho chị Thảo. Thế nhưng, bệnh nhân này trải qua đến 4 lần đặt ECMO vì rơi vào nguy kịch.

"5 giờ sau đó, chúng tôi đang họp thì nhận tin bệnh nhân lại rơi vào suy hô hấp, chúng tôi buộc phải đặt ECMO lần 2", bác sĩ Ân cho biết.

Hình ảnh siêu âm khi đó ghi nhận phổi đông đặc nặng, thất phải giãn. Đây là tình trạng huyết khối phổi cấp tính, biến chứng rất hay gặp ở bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Theo bác sĩ Ân, phụ nữ sau sinh, cơ thể suy yếu là yếu tố nguy cơ khiến Covid-19 diễn biến nặng hơn. Ngoài ra, hậu sản làm phức tạp thêm rối loạn đông máu, gây tắc mạch máu trong cơ thể. Bệnh nhân kéo theo rối loạn các cơ quan gây suy đa tạng.

Bệnh nhân vừa nhiễm 4 loại vi khuẩn đa kháng, vừa nhiễm nấm. Ê-kíp phải hội chẩn với các chuyên gia về dùng kháng sinh của các bệnh viện tại TP.HCM. 

{keywords}

Bệnh nhân Thanh Thảo hồi phục ổn định trong ngày xuất viện

May mắn, sản phụ đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh, kháng nấm thế hệ mới. Bên cạnh đó, sự nỗ lực điều trị, chăm sóc của y bác sĩ, nghị lực sống của bản thân và động lực từ đứa con mới chào đời, đã giúp bệnh nhân từng bước hồi phục ngoạn mục.

Các bác sĩ tại đây đều khâm phục nghị lực của nữ bệnh nhân. Dù thể trạng yếu, mệt mỏi, nhưng luôn gắng gượng chấp hành mọi y lệnh, hướng dẫn của y bác sĩ để sống, chiến thắng bệnh tật.

"Bệnh nhân phải can thiệp ECMO đến 61 ngày, gần bằng thời gian chạy ECMO của bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy”, 1 bác sĩ cho hay.

Chi phí điều trị và chạy ECMO cho sản phụ Thảo lên đến 2,3 tỷ đồng. Nhưng theo quy định, chi phí điều trị bệnh Covid-19 tại Việt Nam là miễn phí.

Chiều qua, 20/10, Thanh Thảo đã được xuất viện trở về với gia đình, với con trai mới chào đời. Đây là lúc chị được sum vầy sau hành trình 3 tháng giành giật mạng sống với Covid-19.

“Mừng lắm chị ơi, ai cũng mong chờ em trở về hết. Bé lớn 5 tuổi, nhỏ mới sinh đó. Em bất tỉnh từ lúc nhập viện ở Củ Chi, tỉnh lại thấy mình ở Trung tâm này. Nằm 3 tháng thì con em cũng 3 tháng tuổi. Lúc mơ màng cứ thấy bác sĩ ở đây gọi, Thảo ơi Thảo ơi, em cứ cố gắng mở mắt ra thôi”, Thảo xúc động.

Chị Thảo không biết rằng, mỗi lần chị nỗ lực mở mắt trả lời, là mỗi lần các bác sĩ thêm niềm tin sẽ cứu sống được sản phụ nghị lực này.

Anh Đặng Tiến Đạt, chồng của chị Thảo, cho hay, ngày đoàn tụ này ngoài sức tưởng tượng của anh và gia đình. “Ở nhà tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi cầu xin Chúa cho vợ được bình yên trở về”.

Thời gian vợ mắc Covid-19, anh Đạt cũng bị nhiễm nhưng nhẹ. 2 con phải gửi cho ông bà nội ngoại cùng chăm sóc.

Chị Thảo cũng là 1 trong 12 bệnh nhân được chạy ECMO tại Trung tâm điều trị Covid-19 của Bệnh viện 175. Đến nay, có gần 2.000 F0 được điều trị tại Trung tâm, 70% nặng và nguy kịch. Nhiều trường hợp đã hồi phục một cách ngoạn mục.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Linh Giao

Sự sống từ quyết định táo bạo: Chia đôi máy ECMO

Sự sống từ quyết định táo bạo: Chia đôi máy ECMO

Chia đôi máy ECMO cho 2 bệnh nhân Covid-19 cùng sử dụng là sáng kiến táo bạo của bác sĩ để cứu sống người bệnh ở Bệnh viện 175.