Vài tuần trước, ông Robby Walker, sống ở Florida (Mỹ), phải thở máy do căn bệnh Covid-19 đã tấn công cả hai lá phổi của ông. Giống như hầu hết những người Mỹ nhập viện vì Covid-19, ông Robby chưa tiêm vắc xin Covid-19.

"Anh ấy đang rất cần được điều trị bằng ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng bệnh viện nơi anh ấy đang điều trị không có sẵn", vợ ông, Susan Walker, chia sẻ vào tháng 8.

ECMO được sử dụng cho bệnh nhân cấy ghép nội tạng, đau tim và nhiễm Covid-19 nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tất cả các thiết bị đều đã có người dùng nên gia đình ông Robby phải ráo riết tìm kiếm nơi còn ECMO. 

{keywords}

Ông Robby được đưa từ Florida tới Bệnh viện St. Francis ở Connecticut.

Virus lan nhanh như cháy rừng

Không ai biết chính xác Robby Walker bị nhiễm bệnh khi nào và ở đâu.

"Chúng tôi tin rằng chuyện đó đã xảy ra vào Ngày Độc Lập 4/7 của Mỹ", bà Susan nói. Trong dịp này, gia đình tổ chức đi chơi, đi ăn ở nhà hàng và có người thân, bạn bè tới nhà chơi.

Nhưng không ai trong gia đình được tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Bà Susan từng nhiễm Covid-19 vào tháng 12/2020 nên nghĩ rằng miễn dịch tự nhiên sẽ bảo vệ bà.

Những người khác trong gia đình lo lắng về nguy cơ bị các tác dụng phụ lâu dài do vắc xin. Họ cảm thấy đã an toàn vì nhiều cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại.

Trong vòng vài ngày, ông Robby bị sốt và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau đó, 11 thành viên khác trong gia đình và bạn bè đã đi du ngoạn trên thuyền. Tất cả đều bị nhiễm bệnh.

“Bệnh lan rộng như cháy rừng” bà Susan nói.

Cơn sốt của ông Robby đã tiến triển thành viêm phổi. Ông được đưa đến phòng cấp cứu.

Vào ngày 25/7, ông Robby gọi điện cho vợ từ giường bệnh và thông báo đã ký giấy tờ để được đặt nội khí quản.

"Anh ấy đã khóc và nói với tôi, anh ấy đã hối hận như thế nào khi không tiêm vắc xin. Anh ấy cầu xin tôi đi tiêm phòng", bà Susan nhớ lại lý do bà quyết định đi chủng ngừa.

Gọi điện tới 169 bệnh viện

Mười ngày sau khi ông Robby được đặt nội khí quản, một bác sĩ nói với bà Susan rằng chồng bà đang nguy kịch.

“Khi họ nói với tôi rằng anh ấy khó qua khỏi, tôi không chấp nhận điều đó”, người vợ nhớ lại.

Do số bệnh nhân tăng đột biến, danh sách chờ ghép phổi rất dài. Một lựa chọn khác là sử dụng ECMO. Nhưng các bệnh viện ở Florida đang quá tải nên không có sẵn thiết bị cho ông Robby.

Vì vậy, gia đình đã lên một danh sách các bệnh viện để hỏi xem còn máy ECMO không. Họ đã gọi đến 169 cơ sở y tế nhưng không nơi nào tiếp nhận Robby.

Sau những ngày kiệt sức vì gọi điện, bà Susan đã xuất hiện trên truyền hình, chia sẻ về câu chuyện của chồng. Một bác sĩ ở bang Connecticut đã xem và nghĩ ra một ý tưởng.

Hành trình 1.900 km

Tiến sĩ Robert Gallagher là Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch tại Trung tâm Trinity Health. Ông quyết định nhận bệnh nhân Robby Walker vào cơ sở y tế của mình.

Nhưng hành trình từ Florida đến Connecticut thật gian nan. Robby được đặt nội khí quản và đưa lên chuyến bay y tế có trang thiết bị đặc biệt.

Bà Susan không được phép bay cùng chồng, Vì vậy, bà, mẹ chồng và con gái cả đã lái xe 22 giờ đến Connecticut, hy vọng ông Robby vẫn còn sống khi họ đến đó.

Robby vượt qua hành trình dài 1.900 km và bắt đầu điều trị bằng ECMO tại Bệnh viện St. Francis ở Hartford.

Ông Robby đã phải dùng ECMO trong 22 ngày. Ngày 2/9, tim phổi của ông đã có thể hoạt động trở lại. Ông sụt hơn 22 kg kể từ nhiễm Covid-19.

Người đàn ông có 6 con xúc động khi kể về Susan và các thành viên khác trong gia đình đã nỗ lực như thế nào để tìm kiếm sự chăm sóc cứu sống ông. 

“Tôi không thể tự hào hơn về vợ mình. Cô ấy là anh hùng của tôi", ông Robby chia sẻ.

Ông Robby cũng biết ơn bác sĩ Gallagher và các đồng nghiệp đã giúp ông có thể hồi phục.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

An Yên (Theo CNN)

Người đàn ông Mỹ tử vong sau khi bị 43 bệnh viện từ chối

Người đàn ông Mỹ tử vong sau khi bị 43 bệnh viện từ chối

Các bệnh viện quá tải do Covid-19 nên không thể tiếp nhận bệnh nhân bị đau tim đột ngột.

Vắc xin Covid-19 nào của Mỹ hiệu quả nhất?

Vắc xin Covid-19 nào của Mỹ hiệu quả nhất?

Hiện nay, Mỹ đang sử dụng 3 loại vắc xin để tiêm cho người dân gồm Pfizer, Moderna và Janssen.