Tưởng bị bệnh thời tiết
Anh Lê Đắc Vinh, sinh năm 1987, đang cư trú tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, làm việc cho một công ty Nhật Bản có trụ sở tại TP.HCM. Cuối tháng 7, anh Vinh có triệu chứng ớn lạnh, rùng mình, uể oải, nhưng nghĩ do bệnh thời tiết.
Ngày 27/7, anh thấy người mệt mỏi, sốt nhẹ, bủn rủn chân tay, cơ bắp đau nhức và không ngủ được. Hai hôm sau, anh bắt đầu sốt cao, li bì, đau nhức toàn thân, đau cơ xương không chịu nổi. Cổ họng anh bị khô, khan tiếng, đau đầu, nóng lạnh toàn thân. Cứ cách 4 giờ, anh phải uống thuốc hạ sốt. Dù vậy, các triệu chứng vẫn không đỡ.
Đến ngày thứ 9 của bệnh, chỉ số SpO2 của anh Vinh hạ xuống còn 78. Ảnh: NVCC. |
Lúc này, anh mới nghi ngờ mình đã nhiễm virus SARS-CoV-2 nên đi test nhanh và có kết quả dương tính. “Nhận kết quả, tôi bất ngờ và suy nghĩ mình lây bệnh từ đâu. Từ khi TP bắt đầu xuất hiện đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, công ty tôi đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Vợ con tôi đã về quê Hà Tĩnh dịp lễ 30-4, vì dịch nên chưa vào lại TP được. Tôi chỉ làm việc ở nhà và phòng bệnh rất kỹ”, anh Vinh chia sẻ.
Ngay lập tức, anh báo tin cho vợ đang ở quê, cho nhân viên Trạm Y tế phường xuống kiểm tra. “Lúc bị bệnh, tôi thấy may vì vợ con đang ở quê, nhưng ở nhà một mình cũng khá vất vả”, anh Vinh nói.
Việc đến bệnh viện lúc này rất khó khăn, vì vậy, anh liên hệ với bác sĩ chuyên điều trị F0 từ xa và lên kế hoạch tự cách ly, điều trị tại nhà.
Anh có một người em ở cùng nhà, có kết quả xét nghiệm âm tính. Để tự chữa bệnh cho mình, anh luôn tự nhủ phải giữ tinh thần lạc quan, không hoảng loạn. Để tránh lây bệnh cho người thân, anh cách ly riêng trong phòng, đeo khẩu trang, khử khuẩn, mua cồn xịt phun sương thường xuyên để tránh virus lây lan.
Trong chung cư anh Vinh lúc đó đang có 8 F0, vì vậy, ban quản lý chung cư lập một nhóm theo dõi người bệnh. Họ cũng vận động được một khoản quỹ hơn 100 triệu đồng nhằm mua máy thở, bình oxy hỗ trợ cư dân nhiễm bệnh. Vì vậy, anh Vinh thông báo tình trạng của mình để được giúp. “Tôi được ban quản lý chung cư cung cấp cho một bình oxy”, anh Vinh chia sẻ.
Ngoài ra, anh cũng được người dân trong chung cư đi chợ hộ. Sau đó, họ để thực phẩm trước cửa phòng cho anh, nhằm giúp anh bổ sung chất dinh dưỡng.
Anh Lê Đắc Vinh. |
Anh bắt đầu tìm hiểu các thông tin về triệu chứng F0 như thế nào là nhẹ, nặng để chuẩn bị đối phó. Sau đó, anh học cách đếm nhịp thở, mạch cho người F0 để có thể kiểm soát được. “Ba ngày đầu bị bệnh, tôi vẫn kiểm soát được, nhưng ăn không ngon, ngủ không được. Bước sang ngày thứ tư, tôi bắt đầu cắt sốt, tuy nhiên vẫn rất nhức đầu và phải uống thuốc giảm đau. Tôi cũng bắt đầu mất vị giác, nghẹt mũi, khó thở”, anh Vinh kể.
Kê gối, nằm sấp cho dễ thở
Anh tự nấu nước sả gừng xông cho người đổ mồ hôi. Anh uống nước ấm, ăn đồ nóng, uống thêm nước sả chanh cho ấm phổi. “Miệng nhạt, mũi không ngửi được, nhưng tôi cố ăn thật nhiều để cung cấp năng lượng cho cơ thể chiến đấu với virus”, anh Vinh nói.
Anh Vinh cho biết, buổi sáng, anh thường thấy người khỏe, nhưng từ 14h trở đi, anh thấy mệt. Vì vậy, buổi sáng anh tranh thủ ngủ sâu để nạp năng lượng. Chiều và tối, anh cố gắng thức để theo dõi sức khỏe của mình.
Ban đầu, chưa mua được máy SpO2, anh tự đếm nhịp thở, nhịp mạch ở tay theo cách thủ công. Khi có máy, anh liên tục kẹp ở đầu ngón tay để theo dõi và kiểm soát chỉ số SpO2. “Có lúc, nồng độ oxy trong máu của tôi giảm xuống còn 91-93, tôi cố gắng vận động, hít vào thở ra mạnh nó cũng lên được 95”, anh Vinh chia sẻ.
Chỉ số SpO2 của anh Vinh có lúc ở mức 92. Ảnh: NVCC. |
Đến ngày 3/8, anh đọc được thông tin nằm sấp, ép ngực để tăng không khí cho phổi. “Những ngày đầu, tôi không biết nên cứ nằm ngửa và không thể thở được, phải ngồi dậy để hít thở sâu”, anh Vinh kể.
Khi biết các tư thế nằm sấp cho người F0 thiếu oxy, anh kê 3 gối thẳng hàng, ở đầu, ngực, chân để tập thở và duy trì oxy. Khi mỏi thì chuyển sang tư thế nằm nghiêng. Cứ như vậy, anh tự tập thở để hấp thụ oxy.
Đến ngày thứ năm, thứ sáu của bệnh, anh bắt đầu thấy khó thở nhiều hơn, nhất là vào ban đêm, từ 23h đến 5h sáng. “Bình oxy ban quản lý chung cư phát cho không có van và chưa có oxy nên tôi cố gắng tập thở để hấp thụ oxy cho phổi. Đến đêm thứ sáu, tôi không chịu nổi nữa. Quá mệt, tôi nằm ngủ thiếp đi, được khoảng 30 phút, chỉ số SpO2 tụt xuống còn 90. Nghe máy báo, tôi cố gắng tỉnh giấc để tập thở. Cứ như thế, mệt tôi lại ngủ, máy báo lại thức dậy tập thở tiếp”, anh Vinh chia sẻ.
Hôm sau, nhờ một người bạn, anh mua được 2 bình oxy mini. Tối 6/8 là đỉnh điểm khó thở của anh, dù mũi không còn nghẹt, nhưng cảm giác như bị sặc khói. Đến 3h, chỉ số SpO2 của anh tụt xuống còn 78. Người anh mệt lả, cảm nhận bị thiếu oxy rõ rệt và có chút sợ hãi. Anh chuẩn bị số điện thoại của người thân để có thể gọi cầu cứu.
Anh cũng cố gắng ngồi dậy tập thở và sử dụng bình oxy mini hít vài lần thì thấy chỉ số SpO2 tăng lên 95. Vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, anh cảm thấy mình may mắn và hạn chế tối đa việc thở bằng oxy để tự tập thở. Một phần, anh cũng sợ khi gắn bình oxy vào mũi, miệng.
Sau đó, anh cũng cai hoàn toàn được bình oxy. “Tôi mua 2 bình oxy nhưng dùng không hết một bình”, giọng anh Vinh vui vẻ.
Đến ngày thứ 14, anh Vinh có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính. Ảnh: NVCC. |
Đến ngày 11/8, anh Vinh bắt đầu lấy lại được vị giác nên ăn uống ngon hơn. Xét nghiệm của anh có kết quả âm tính. Để kỷ niệm việc vượt qua được giai đoạn nguy hiểm của bệnh, anh chia sẻ bí quyết và hành trình khỏi bệnh của mình lên trang cá nhân. Rất nhiều bạn bè, người thân đã chúc mừng anh. Nhiều F0 biết chuyện cũng liên hệ đến anh để hỏi kinh nghiệm tự chữa khỏi bệnh.
“Khi bị nhiễm bệnh, tất cả mọi người đều lo lắng và hoảng sợ. Có người sợ quá nên uống thuốc trước. Có người thì pha nước muối thật mặn súc miệng, uống nước sôi, dầu gió vì nghĩ rằng sẽ diệt được virus. Quan niệm như vậy là sai, dễ dẫn đến bỏng họng".
"Theo tôi, khi bị bệnh chúng ta phải thật bình tĩnh, liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Đặc biệt, chúng ta phải đọc các dấu hiệu kỹ để có thể phát hiện bệnh sớm thì tải lượng virus ít hơn, nhanh khỏi bệnh và không bị nặng. Do tôi chủ quan, phát hiện muộn nên mới có các dấu hiệu nặng. May mắn, tôi đã vượt qua được”, anh Vinh chia sẻ. Anh cũng mong TP hết dịch để có thể đến bệnh viện kiểm tra phổi xem có bị ảnh hưởng gì không.
Tú Anh
Nam diễn viên ở TP.HCM kể về cách tập thở sau 6 lần bất tỉnh vì Covid-19
Đêm đầu tiên ở bệnh viện, anh Long thấy khó thở, cơ bụng co giật liên hồi. Sau 30 ngày phải phụ thuộc vào bình oxy và cố gắng tập tự thở, anh cũng tự thở được rồi hét to trong phòng: “Trời ơi, con hít được oxy rồi”.