Ấn Độ đã có khoảng 12.000 bệnh nhân Covid-19 mắc nấm đen, hơn 300 người tử vong vì hội chứng này trong vài tháng qua.

Nhiễm trùng nấm đen khiến bệnh nhân bị nghẹt mũi, chảy máu mũi, sưng và đau mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải cắt bỏ mắt và xương hàm của người bệnh để ngăn chặn nhiễm trùng.

{keywords}

Bác sĩ điều trị bệnh nhân bị nấm đen ở Jabalpur. Ảnh: Outlook India

Trước đây, chỉ có vài chục ca nhiễm nấm đen trên toàn thế giới. Nhưng năm nay, riêng ở Ấn Độ, số bệnh nhân đã lên đến hàng nghìn. Đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng và bệnh tiểu đường đã tạo điều kiện cho căn bệnh này lan tràn.

Tình trạng nhiễm nấm rất hiếm ở các quốc gia phát triển. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh mỗi năm chỉ là 1,7 trường hợp trên một triệu người. Biến chứng xảy ra thường xuyên hơn ở một số quốc gia đang phát triển.

Tiến sĩ Andrew Freedman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cardiff, Vương quốc Anh, cho biết: “Trong cả sự nghiệp của mình, tôi chỉ thấy có lẽ 2 hoặc 3 trường hợp. Bệnh cực kỳ hiếm ở Anh nhưng phổ biến hơn rất nhiều ở các nước đang phát triển. Bệnh hay xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường và người cấy ghép nội tạng".

Các quốc gia khác đã ghi nhận ca nhiễm nấm đen liên quan đến Covid-19 bao gồm Pakistan và Nga. Vào ngày 25/5, Bangladesh ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến chứng này.

Ca bệnh đầu tiên ở Nga được phát hiện vào ngày 17/5 nhưng chính quyền khẳng định tình hình được kiểm soát tốt.

Lý do hội chứng nấm đen bùng phát ở Ấn Độ

Những người bị Covid-19 đôi khi được dùng steroid để giảm viêm phổi, nhưng loại thuốc này làm suy yếu hệ miễn dịch và do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm.

Steroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu ở một số người mắc tiểu đường, bệnh phổ biến ở Ấn Độ. Hơn 8 trong số 10 ca nhiễm nấm đen xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường.

Căn bệnh này phổ biến ở những người phải điều trị lâu dài, dẫn đến lo ngại rằng các bình oxy, máy tạo ẩm trong bệnh viện mất vệ sinh, gây nhiễm trùng.

Điều trị sớm là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn bệnh. Các bác sĩ sẽ tiêm thuốc chống nấm cho bệnh nhân.

Người bệnh cũng có thể phải phẫu thuật để cắt mô hoại tử, ngăn chặn nhiễm trùng lây lan. Có người phải cắt bỏ mắt, xương hàm để nấm không xâm nhập vào não. 

Một số bệnh nhân hiện phải đối mặt với cuộc sống khó khăn khi nói chuyện hoặc ăn uống do phải cắt đi một phần miệng.

Các bác sĩ được yêu cầu giảm sau đó ngừng điều trị steroid và các loại thuốc có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ở một số bệnh nhân có nguy cơ mắc nấm.

Với số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ giảm hơn 20% mỗi tuần, các bác sĩ sẽ hy vọng rằng tỷ lệ nhiễm nấm đen cũng giảm.

An Yên (Theo National News)

Hội chứng nấm đen gây hỏng mắt ở bệnh nhân Covid-19

Hội chứng nấm đen gây hỏng mắt ở bệnh nhân Covid-19

Việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 không hợp lý có thể dẫn tới hội chứng nấm đen nguy hiểm.