Theo người thân bệnh nhi, trong lúc bất cẩn không để ý, cháu N.A. (29 tháng tuổi, trú TP Vinh) chơi một mình và không may nuốt phải sợi dây chuyền bạc vào ngày 1/6.

Gia đình ngay sau đó đưa cháu vào Khoa Tiêu hóa - Huyết học, BV Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng đau bụng, nôn và buồn nôn.

Qua thăm khám và chuẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ thấy hình ảnh một dị vật cản quang nằm sâu trong tá tràng của bé.

Do trường hợp này dị vật không sắc nhọn nhưng nằm sâu trong tá tràng nên cần phải nội soi dạ dày gây mê để lấy dị vật, tránh các tai biến có thể xảy ra.

{keywords}
Sợi dây chuyền được gắp ra từ tá tràng của bệnh nhi

Bác sĩ CK.II Nguyễn Thanh Khôi - Trưởng khoa Tiêu hóa – Huyết học cho biết, dị vật đường tiêu hóa thường xảy ra trong đời sống sinh hoạt, trẻ nhỏ thường là đối tượng dễ mắc phải nhất do tính hiếu động.

Nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu các bậc cha mẹ không phát hiện và xử trí kịp thời.

Các vật như đồng xu, pin, kim khâu, tăm tre, que kẹo mút, xương cá, kẹp tóc, ghim giấy, ốc vít, nút áo…là những vật thường thấy trong đời sống hằng ngày thường trẻ do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi…

Bác sĩ Khôi cho rằng, với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu. Dị vật để lâu có thể gây viêm thanh quản, viêm quanh cổ, áp-xe thực quản hay gây nhiễm khuẩn…

Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất và vị trí (to hay nhỏ), thời gian mắc dị vật. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh mới phát hiện dị vật.

Phân loại mắc dị vật đường tiêu hóa

Có thể phân chia các triệu chứng mắc dị vật làm 2 nhóm: mắc tại thực quản và mắc tại dạ dày:

Tại thực quản: Trẻ thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...

Tại dạ dày: Khi bị dị vật đường tiêu hóa, trẻ thường kêu đau bụng, quấy khóc, buồn nôn, ăn không tiêu. Dị vật để lâu trong dạ dày gây thủng nội tạng, chảy máu

Khi nghi ngờ người bệnh có dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử ăn uống và triệu chứng xâm nhập khi hóc, nuốt dị vật.

Đối với dị vật đường tiêu hóa ở thực quản, dạ dày thì điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và triệt để nhất.

Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp XQ xác định, làm các xét nghiệm tiền mê. Tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản, kích thích, nôn khi soi.

Trong trường hợp dị vật quá to hoặc dị vật đã gây biến chứng nặng thì cần can thiệp ngoại khoa.

Khuyến cáo của bác sĩ

Bác sĩ Khôi khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên để xa tầm tay trẻ những đồ chơi, vật dụng mà trẻ có thể cho vào miệng.

Hướng dẫn trẻ ăn chậm, nhai kỹ, không cho trẻ vừa ăn vừa chơi, nói chuyện hoặc xem tivi. Lưu ý các loại thức ăn có xương cần lọc kỹ, cắt nhỏ những thức ăn to, dai trước khi nấu.

Nếu nghi ngờ trẻ bị dị vật đường tiêu hóa, cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không nên tự ý điều trị cho trẻ tại nhà.

Đặc biệt, không chữa theo mẹo dân gian, không cho trẻ cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật trôi xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.

Theo thống kê, trong tháng 5/2020, Khoa Tiêu hóa - Huyết học, BV Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp mắc phải dị vật đường tiêu hóa.

Bé 3 tuổi ở Hà Nội nuốt nguyên chiếc còi, thở ra tiếng kêu

Bé 3 tuổi ở Hà Nội nuốt nguyên chiếc còi, thở ra tiếng kêu

- Bé trai không  may nuốt phải chiếc còi đồ chơi, ngay sau đó người tím tái, khí thở có tiếng kèn kêu, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.  

Phạm Tâm