Căn bệnh tiến triển âm thầm
Trong kỳ nghỉ cùng gia đình vào tháng 10/2018 tại Mauritius, Giám đốc tổ chức động vật Châu Á Jill Robinson, 57 tuổi bất ngờ trượt chân ngã trên bãi biển khi đang kéo chiếc giường tắm nắng.
Bà nghe thấy tiếng “rắc” trong xương sống, ngay sau đó là cảm giác đau đớn tột cùng. Gia đình lập tức chuyển bà đến bệnh viện địa phương, được chẩn đoán tổn thương cột sống nghiêm trọng song phòng khám ở đảo Mauritius không đủ trang thiết bị để can thiệp.
4 ngày sau, bà được chuyển về Hongkong để điều trị. Kết quả kiểm tra cho thấy, đốt sống ngực T12 của bà đã vỡ vụn, mảnh vỡ găm vào tủy sống gây ra những cơn đau khủng khiếp và làm tê chân.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp nẹp vít thân đốt sống để giải ép thần kinh. Khi chụp Dexa để đo mật độ xương, kết quả cho thấy Jill bị loãng xương nghiêm trọng. Đây là lý do chỉ một cú ngã nhẹ cũng cũng khiến bà bị vỡ đốt sống.
Bà Jill Robinson hiện đã 60 tuổi, tập luyện với nhà vật lý trị liệu để điều trị chứng loãng xương
Jill chia sẻ, cách đây vài năm đã được chẩn đoán bị loãng xương thể nhẹ, nhưng phần vì quá bận, phần không thấy ảnh hưởng tới sinh hoạt nên bà bẵng quên.
Vào năm 2017, Jill bị gãy cổ tay, đây là tín hiệu cảnh báo bà cần làm thêm xét nghiệm kiểm tra mật độ xương nhưng bản thân bà không nghĩ đến và bác sĩ cũng không chỉ định.
Chỉ một thời gian ngắn sau, Jill từ một người khỏe mạnh và năng động đã trở thành bệnh nhân loãng xương với những cơn đau nặng nề. 6 tháng đầu tiên sau phẫu thuật, bà hồi phục rất khó khăn. Từ đây, bà dành thời gian để tìm hiểu tất cả thông tin về căn bệnh của mình.
TS Norman Chan, bác sĩ điều trị cho biết, mật độ khoáng trong xương xảy ra ở cả 2 giới, nhưng phụ nữ có tỉ lệ mắc cao hơn, đặc biệt khi bước vào thời kỳ mãn kinh do cơ thể không sản xuất đủ hormone estrogen.
Ở độ tuổi 50-60, có khoảng 10% phụ nữ bị loãng xương, con số này tăng lên 45% ở phụ nữ 60-70 tuổi, hơn 50% ở phụ nữ trên 70 tuổi.
Thông thường, một cú ngã nhẹ sẽ không phải là vấn đề, nhưng với Jill Robinson, người sắp bước sang tuổi 60 đã bị loãng xương lại trở thành nguy hiểm. Căn bệnh này xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều xương, tạo ra quá ít xương hoặc cả hai. Nó thường được gọi là căn bệnh thầm lặng vì thường không có triệu chứng cho đến khi bị gãy xương hoặc gãy đốt sống.
Cách khắc phục loãng xương
Tuy nhiên tin tốt là nếu bạn thay đổi lối sống, có thể cải thiện được mật độ xương và Jill đã làm được điều đó.
Với sự kết hợp của thuốc, tập thể dục hàng ngày và thay đổi lối sống, Jill đã cải thiện điểm Dexa trên cột sống của mình từ -4 xuống còn -2,8.
Trong 2 năm đầu, bà tự tiêm hormone eriparatide giúp giảm nguy cơ gãy xương, sau đó mỗi 6 tháng tiêm thêm một mũi Prolia để tăng mật độ xương.
Bệnh loãng xương (ảnh trái) tiến triển rất âm thầm nên nhiều người không nhận ra
Jill phải đi khám trị liệu mỗi tuần và đều đặn đạp xe hoặc đi bộ 90-120 phút mỗi ngày. Bà cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình, cắt bỏ cà phê và đồ uống có ga, giảm đáng kể lượng muối và đường, ăn vài miếng sô cô la mỗi tuần và một ly rượu vang vào cuối tuần.
"Tôi ăn nhiều canxi và protein từ thực vật như cải xoăn, các loại rau lá xanh, sữa đậu nành, các loại hạt và sữa pha protein mỗi ngày với hạt chia, hạt lanh, mận khô, quả sung và chanh", Jill chia sẻ.
Sau sự cố của bản thân, Jill Robinson kêu gọi tất cả phụ nữ, đặc biệt ở độ tuổi mãn kinh, hãy coi trọng sức khỏe xương của họ.
"Tôi thật ngu ngốc và chủ quan khi không để ý đến chỉ số Dexa đầu tiên bởi lúc ấy tôi còn trẻ. Bên ngoài bạn có thể thấy mình khỏe mạnh, nhưng thực tế xương của bạn có thể yếu như một viên phấn", Jill cảnh báo.
TS Chung Wai-man, Trưởng nhóm vật lý trị liệu tại Tập đoàn Y tế Virtus cho biết, các bài tập chịu trọng lượng là điều cần thiết để kích thích sự phát triển của xương và bảo tồn mật độ xương. Bạn nên đi bộ đường dài, chạy bộ hoặc nhảy dây. Các bài thái cực quyền cũng giúp cải thiện sự cân bằng và giảm nguy cơ ngã.
Ông cũng ủng hộ liệu pháp rung, một liệu pháp được NASA chấp thuận để đảo ngược tình trạng mất xương của các phi hành gia trong không gian.
Charlotte Douglas, một trong số ít các nhà trị liệu yoga ở Hongkong có chứng nhận của Hiệp hội Yoga Trị liệu Quốc tế chỉ ra rằng, chế độ yoga 12 phút mỗi ngày có thể đảo ngược tình trạng mất xương do loãng xương, bao gồm các bài tập khởi động với các động tác lặp lại.
"Sức mạnh cơ bắp rất quan trọng để đảm bảo khả năng vận động tốt, tránh té ngã. Đồng thời mọi người nên rèn luyện sự linh hoạt bằng cách kéo căng vùng bắp chân và mắt cá chân dưới, bởi vì khi chúng ta già đi, cẳng chân có thể căng hơn khiến bạn dễ ngã hơn", bà Charlotre cảnh báo.
Đối với người từng bị gãy xương do loãng xương nên đi bơi. Khi tình trạng xương cải thiện hơn mới bắt đầu tập các bài tập chịu trọng lượng.
M.Anh (Theo SCMP)
Thực phẩm hàng đầu ngăn ngừa nguy cơ loãng xương
Xương có xu hướng trở nên xốp hơn theo tuổi, nhưng một số người có nguy cơ bị xốp xương sớm và điều này dẫn tới loãng xương.