- Chỉ vì bất cẩn, nhiều cha mẹ đã suýt mất con. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra với trẻ chỉ trong phút lơ là của cha mẹ, khiến các cháu chịu hậu quả nghiêm trọng.
Tai nạn hy hữu xảy ra với bé Nguyễn Trung Hiếu, 17 tháng tuổi, ở Sóc Sơn Hà Nội (tên cháu bé đã được thay đổi).
Khi ngủ với mẹ, trong lúc mẹ ngủ say, bé Hiếu ngã khỏi giường, đầu đập mạnh vào chiếc đinh vít nằm dưới sàn nhà. Thấy con kêu đau và đầu chảy máu, gia đình vội đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất đau đớn, chiếc đinh vít đâm sâu vào đầu.
Hình ảnh chiếc đinh vít (đốm trắng) trên phim X quang hộp sọ chụp thẳng (ảnh trái) và ảnh chụp nghiêng sau khi đinh vít được gắp ra khỏi đầu bệnh nhi (ảnh phải). |
Các bác sĩ đã tiến hành khám và chỉ định chụp cắt lớp sọ não. Trên phim thấy có hình ảnh dị vật cản quang đâm xuyên xương sọ vùng thái dương gây máu tụ ngoài màng cứng. Các bác sỹ lập tức tiến hành mổ, gắp ra 1 chiếc đinh vít đã hoen gỉ dài 5mm. 6 tiếng sau khi phẫu thuật cháu bé đã tỉnh táo, đi lại được. Chỉ một ngày sau, bé Hiếu đã được ra viện.
Tai nạn này tuy hy hữu nhưng rất nguy hiểm. Theo Ths.Bs Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương), để phòng tránh, cha mẹ cần thường xuyên giám sát hoạt động của trẻ.
Với trẻ nhỏ nên thiết kế giường ngủ có thanh chắn để hạn chế khả năng bé bị rơi ngã. Ngoài ra, nên lưu ý loại bỏ các vật dụng cứng và sắc nhọn nằm trên sàn nhà vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho trẻ.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận cháu Nguyễn L.N (5 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh) vào viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho, khò khè.
Chụp X-quang, các bác sỹ phát hiện có dị vật bằng kim loại gây áp-xe thành thực quản kèm theo viêm phổi. Bệnh nhân được can thiệp nội soi, gắp ra dị vật là chiếc đinh vít dài 1cm.
Do bệnh nhi còn nhỏ, dị vật cắm sâu gây loét sâu xung quanh thành thực quản nên việc gắp ra rất khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã can thiệp thành công mà không gây thêm tổn thương cho trẻ.
Các dị vật bằng kim loại được gắp ra bằng nội soi. |
Mộ trường hợp khác là trẻ được gia đình cho cầm sợi dây cài áo bằng sắt để chơi và vô tình nuốt vào bụng. Gia đình vội đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh và chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nuốt đau, họng rớm máu.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi, kéo dị vật từ dạ dày lên thực quản. Tuy nhiên, sợi dây cài áo đã cuộn lại và bị mắc một phần ở thực quản, một phần ở họng, có nguy cơ gây xây xước, thậm chí là thủng thực quản. Các bác sĩ đã rất khó khăn mới gắp dị vật ra an toàn. Một ngày sau bệnh nhi đã có thể ăn uống bình thường, được ra viện.
Gần đây là trường hợp hóc dị vật của một bé trai, 2 tuổi, ở Vĩnh Phúc. Trẻ vô tình nuốt phải vật trang trí hình con dê bằng kim loại trong khi cầm đồ vật này nghịch chơi. Phim chụp X-quang cho thấy dị vật nằm ở thực quản cổ, một phần ở thực quản, một phần ở vùng hạ họng. Dị vật có các móc sắc nhọn ghim chặt vào cổ họng, gây đau đớn cho bé. Dị vật ở ngay hạ họng nên đã được gắp ra nhanh chóng, tuy nhiên niêm mạc sàn họng bị chảy máu.
Trường hợp này nếu chậm trễ, để lâu sẽ dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo BS Phan Thị Hiền - khoa Nội soi, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp do trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật vô tình rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, không nên đeo đồ trang sức cho trẻ, luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình.
Hoài An