Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em, chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 11,8%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 7,3%, giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500gram) xuống còn 4%, khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (nội thành), 5% (ngoại thành).

{keywords}
Ảnh minh hoạ

Về nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ, đến năm 2025, chương trình đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho bú sớm ngay 1 giờ đầu sau sinh lên 80%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 25%, tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 60%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 70%.

Đặt mục tiêu đến năm 2030 cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 11,3%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%, giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500gram) xuống còn 3,5%, khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (nội thành), 5% (ngoại thành).

Đến năm 2030, nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ: tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho bú sớm ngay 1 giờ đầu sau sinh lên 85%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 30%, tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 70%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 80%.

Để đạt được mục tiêu trên, chương trình đề ra các giải pháp về thể chế, chính sách và chỉ đạo điều hành như xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại từng địa phương; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời bao gồm thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn.

N.Hân