Bệnh nhân Nguyễn Thị Bình, 76 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội được chuyển vào Bệnh viện E cấp cứu lúc 20h trong tình trạng nói ngọng, liệt mặt bên trái, liệt nửa người trái, cơ lực tay, chân trái chỉ còn 1/5.

Gia đình cho biết, trước đó 30 phút, bà vẫn khoẻ mạnh ngồi xem tivi, sau đó đột nhiên nói khó, yếu tay trái, nghĩ đột quỵ nên đưa đến bệnh viện.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị rung nhĩ và bệnh basedown từ nhiều năm nay. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân có thể bị đột quỵ nhồi máu não cấp.

{keywords}

Ekip bác sĩ can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân

Ngay lập tức, các bác sĩ trực khởi động quy trình “báo động đỏ” toàn Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu với sự tham gia của nhiều chuyên khoa: Can thiệp tim mạch, nội thần kinh, phẫu thuật thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực...

Bệnh nhân được tiêm tiêu sợi huyết giúp tan cục máu đông trong vòng 15 phút.

Trên hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), các bác sĩ phát hiện vị trí tắc ở động mạch cảnh trong đoạn M1 bên phải và động mạch não giữa. Hút khối huyết ra có chiều dài 1,5cm, gây tắc hoàn toàn đoạn M1.

Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi nhanh, không còn nói ngọng, không bị liệt mặt, cơ lực tay trái, chân trái khôi phục lên 4/5.

BS Phạm Xuân Hiếu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Phụ trách Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu cho biết, với bệnh nhân đột quỵ, càng đến viện sớm tỉ lệ điều trị thành công càng cao.

Tại bệnh viện, trước đây với quy trình cũ, các bác sĩ phải mất ít nhất 30 phút đến 1 tiếng để can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ. Hiện nay, với việc lắp đặt hệ thống DSA ngay cạnh đơn vị can thiệp nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển, làm xét nghiệm.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 230.000 ca đột quỵ, trong đó gần 50% bệnh nhân diễn biến xấu đi và tử vong theo thời gian, 90% để lại di chứng.

Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não “ra đi” và mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.

Với đột quỵ nhồi máu não, cơ hội dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ 4,5 giờ từ khi khởi phát, cơ hội can thiệp lấy huyết khối là trong 6 giờ đầu, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể lên tới 24 giờ.

Theo thống kê, đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày từ 8-12h. Ban đêm cũng xảy ra nhưng không thường xuyên.

Riêng những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ như bệnh nhân nói trên, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Để phát hiện sớm đột quỵ, có 5 dấu hiệu:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể).

- Đột ngột mất ngôn ngữ, giọng bị méo hoặc nói khó.

- Thị lực một bên đột ngột bị mất.

- Đau đầu dữ dội.

- Cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.

Nếu có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ, hướng dẫn vận chuyển người bệnh an toàn tới cơ sở y tế gần nhất.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

 

Chồng bị đột quỵ vì được vợ lén cho ăn thêm cơm

Chồng bị đột quỵ vì được vợ lén cho ăn thêm cơm

Chồng bị đái tháo đường, bác sĩ yêu cầu hạn chế ăn tinh bột, đồ ngọt nhưng vì thương chồng, chị vợ lén cho anh ăn thêm cơm, phở.