Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm nhập viện, cả 8 cháu đều có tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó 5/8 trẻ bị suy gan (chỉ số men gan tăng, có biểu hiện hủy hoại tế bào gan, rối loạn đông máu…), một số trẻ nôn, đau bụng.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, đồng thời hội chẩn nhiều chuyên khoa: Cấp cứu chống độc, Hồi sức, Tim mạch, Gan mật…, để phối hợp điều trị và làm xét nghiệm độc tố, phát hiện kịp thời các biến chứng khác của bệnh.

Sau 1 tuần điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của tất cả bệnh nhi đều ổn định. Có 3 cháu chỉ số men gan còn tăng nhẹ, tuy nhiên trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện địa phương.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã bố trí một chuyến xe đưa các bệnh nhi và gia đình về nhà an toàn.

{keywords}
8 bệnh nhi cùng bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương ngày ra viện - Ảnh: BVCC

Trước đó, trao đổi với VietNamNet hôm 4/10, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết, 17 trẻ nhỏ trên địa bàn xã (gồm 7 trẻ cấp THCS, 8 em cấp Tiểu học và 2 em ở lứa tuổi Mầm non) phải nhập viện sau khi ăn quả hồng châu.

1 em trong số này tử vong, 8 em khác biểu hiện ngộ độc nặng, chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số còn lại điều trị tại bệnh viện địa phương.

Theo bà Thu, trưa 2/10, trên đường đi học về, nhóm học sinh THCS thấy bên đường (cách lề đường khoảng 30m) có 2-3 cây hồng châu, trong đó 1 cây có quả chín màu tím bắt mắt. Do nhầm lẫn với 1 loại hồng ăn được (loại quả khi chín sẽ có màu vàng, cũng mọc trong rừng), nhóm học sinh đã hái quả ăn và đem về cho các em ở nhà, đang học cấp Tiểu học, Mầm non.

Sau khi ăn, trẻ sinh hoạt, ăn cơm trưa bình thường. Tuy nhiên tới chiều, một số bé biểu hiện đau bụng không rõ nguyên nhân. Gia đình hỏi kỹ và biết con ăn loại quả trên đường đi học về nên đã ra kiểm tra. Khi phát hiện đây là quả không ăn được, bố mẹ vội vã đưa con tới Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn cấp cứu vào tối cùng ngày.

Trong tổng số 17 em đã ăn quả hồng châu, có 1 trẻ Tiểu học tử vong do gia đình đưa tới viện quá muộn. “Bố mẹ nghĩ con chỉ đau bụng thông thường nên không đưa tới viện ngay. Khoảng 12h đêm 2/10, bé được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi”, bà Thu thông tin.

Có 8 em diễn tiến nặng, chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Những trẻ này đều ăn một lượng lớn hồng châu, có bé ăn từ 7-10 quả (trong khi nhóm không triệu chứng chỉ ăn rất ít).

Các bác sĩ cho hay, độc tố chính của quả hồng châu là Alkaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc hồng châu mà chủ yếu điều trị căn nguyên và triệu chứng. Do vậy, việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng để cứu sống bệnh nhân sau khi ăn phải loại quả này. 

Triều Dương

17 học sinh nhập viện, có 1 trẻ tử vong sau khi ăn quả hồng châu

17 học sinh nhập viện, có 1 trẻ tử vong sau khi ăn quả hồng châu

17 học sinh tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, Lào Cai phải nhập viện sau khi ăn quả hồng châu. Trong đó, có 9 em biểu hiện ngộ độc nặng, 1 trẻ tử vong.