315 ca nặng, nguy kịch, 130 trường hợp tử vong

BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc  Bệnh viện Thanh Nhàn, thông tin với VietNamNet, tính đến ngày 28/12, bệnh viện đang điều trị cho 160 F0, trong đó có 42 bệnh nhân nặng và 22 ca nguy kịch. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch được đánh giá là tăng so với trước đó.

Đại diện bệnh viện cho biết, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 1.200 bệnh nhân Covid-19, trong đó ra viện 946 bệnh nhân, chuyển viện 89 trường hợp và tử vong 48 trường hợp. Cũng theo thông tin từ bệnh viện, 100% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở đây đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vắc xin và 82% ở độ tuổi trên 70.

Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, bệnh viện đã chuẩn bị hệ thống oxy cho 250 giường ICU; các loại máy thở; xây dựng danh mục thuốc và sự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Cũng trong ngày 28/12, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chia sẻ, bệnh viện đang điều trị cho 280 bệnh nhân Covid-19. “Trong đó, số ca nặng là 120 trường hợp, trong số đó nhóm bệnh nhân phải can thiệp thở máy hơn 20 ca. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng bởi trước đó con số này chỉ khoảng 70, 80 ca”, TS Nguyễn Văn Thường thông tin thêm.

Tuy nhiên hiện tại về trang thiết bị, máy móc của bệnh viện vẫn đảm bảo bởi bệnh viện đã chuẩn bị 300 giường để chăm sóc, điều trị F0. Trong khi đó, nhân lực cũng đã được đào tạo, chuẩn bị để đảm bảo chăm sóc cho 300 F0. “Tình tình điều trị, chăm sóc F0 hiện tại chưa vượt quá năng lực của bệnh viện”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khẳng định.

Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (trực thuộc Đại học Y Hà Nội) đang điều trị cho hơn 100 người bệnh Covid-19, trong đó có 40 nhân nặng.

Ngày 27/12, bệnh viện ghi nhận 2 ca tử vong, đều là các trường hợp có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin. “Các trường hợp tử vong có ít trường hợp đã tiêm vắc xin, đa phần đều chưa tiêm”, đại diện bệnh viện thông tin thêm.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca nhiễm tăng nhanh, bệnh viện đề xuất mở rộng phạm vi điều trị cả ba tầng (tầng 1 - thu dung F0 không triệu chứng; tầng 2 - bệnh nhân nhẹ; tầng 3 - ca nặng, trong mô hình điều trị 3 tầng). Việc chuyển đổi mô hình này nhằm giảm áp lực cho bệnh viện TP, song vẫn ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đến ngày 27/12, bệnh viện đang điều trị cho 133 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 28 bệnh nhân nặng và 105 bệnh nhân trung bình.

Hiện nay, bệnh viện đang gặp khó khăn về nhân lực, vì cán bộ y tế ngoài khu điều trị F0 tại viện còn phụ trách hỗ trợ cơ sở thu dung F0 ở Tứ hiệp.

Đặc biệt, đối với những bệnh nhân nặng nhân lực cần nhiều, y bác sĩ phải theo dõi thở máy, lọc máu …trong khi đó việc đào tạo nhân lực không thể “một sớm một chiều”.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến ngày 29/12, Hà Nội đang có 10.335 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, 5.162 F0 điều trị tại khu cách ly, 4.668 F0 điều trị tại bệnh viện. Về tình trạng người bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin, có 2.810 F0 nhẹ và không triệu chứng. Bệnh nhân mức độ trung bình; nặng và nguy kịch đều tăng lên so với trung bình 7 ngày trước. Cụ thể, F0 mức độ trung bình hiện tại là 1.543 ca, trường hợp nặng, nguy kịch là 315 ca.

Trong số các F0 nặng và nguy kịch có 275 ca thở mask, gọng kính; 15 ca thở HFNC; 7 ca thở máy không xâm lấn và 18 ca thở máy xâm lấn. Cũng theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Hà Nội đã ghi nhận 130 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong/ca mắc là 0.3%.

Tăng cường “phủ” vắc xin, ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều TP đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, "thích ứng an toàn, linh hoạt".

Tương tự, chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng thông tin, số ca mắc tại Hà Nội tăng là điều đã được dự đoán. Điều này là do chúng ta cho phép đi lại, nới lỏng các hoạt động, tạo ra nguy cơ lây lan, xuất hiện nhiều ổ dịch.

“Mặc dù Hà Nội vẫn đang kiểm soát được tình hình (số ca nặng chưa báo động, số ca tử vong chưa cao) nhưng nếu không không kiếm chế, số mắc vẫn leo thang chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng số ca nặng tăng. Điều này gây ra quá tải hệ thống y tế. Ca nặng không tiếp cận được các dịch vụ y tế sẽ dẫn tới tăng ca tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải đánh giá nguy cơ từng cấp độ dịch theo đơn vị nhỏ như xã/phường, quận/huyện và đưa ra các giải pháp như ưu tiên hoạt động thiết yếu, dừng hoạt động không thiết yếu, tăng cường phủ vắc xin.

Để giảm số ca tử vong Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cần phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị F0 kịp thời.

Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.

Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.

Vào ngày 16/12, Bộ Y tế cũng đã có yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trong đó, nhấn mạnh, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm hạn chế tử vong.

Ngọc Trang

Xuất hiện biến chủng Omicron tại Việt Nam: Cần quyết liệt thực hiện 5K

Xuất hiện biến chủng Omicron tại Việt Nam: Cần quyết liệt thực hiện 5K

“Nguy cơ lây lan biến chủng Omicron vẫn là do tiếp xúc gần với nguồn lây, tụ tập đông người, trong phòng kín… vì vậy các biện pháp phòng dịch vẫn không thay đổi so với biến chủng Delta. Nhưng chúng ta cần quyết liệt hơn để giảm lây lan”.