Nhận quyết định bất ngờ

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 15/7. Đây là bệnh viện tầng thứ tư, được TP.HCM thành lập để điều trị cho các ca F0 nặng và nguy kịch. 

BS.CKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, tính đến ngày 19/7, đã có 280 ca F0 nặng và nguy kịch được chuyển đến. Trong số các bệnh nhân này, có 250 bệnh nhân đang thở máy.

{keywords}
BS.CKII Trần Thanh Linh đang hội chẩn để điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng.

Trước đó, TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện 115 được điều động điều hành bệnh viện này, nhưng do vấn đề sức khỏe, ông đã xin thôi chức. TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được điều động điều hành thay thế bác sĩ Báu. Vị bác sĩ cho biết, lúc mới nhận quyết định, ông hơi bất ngờ xen lẫn tự hào khi được lãnh đạo TP.HCM tin tưởng.

“Đây là nhiệm vụ quá nặng nề, nhưng tôi sẵn sàng nhận. Tôi nghĩ mục đích cuối cùng cũng vì sức khỏe người dân là trên hết”, bác sĩ Thức khẳng định.

Bác sĩ Thức cho biết, khi bệnh viện mới đi vào hoạt động, phía trước là một khối lượng công việc khổng lồ, bởi mọi thứ chỉ vừa bắt đầu. Trang thiết bị chưa đủ, nhân viên bảo vệ môi trường, nhân viên vệ sinh chưa có, quy trình hoạt động bệnh viện chi tiết ra sao cũng chưa. Việc đầu tiên ông làm là tổ chức lại nhân sự để điều hành chuyên môn. Kế đến là thiết kế lại quy trình chuyên môn như kiểm soát nhiểm khuẩn, hồi sức, tiếp nhận bệnh nhân, đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ khi làm việc…

Đến ngày 20/7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã hoạt động được 5 ngày. Bác sĩ Thức cho biết, hiện các công việc chuyên môn tại bệnh viện đã trôi chảy. Tuy nhiên vẫn còn thiếu nhân viên vệ sinh, hộ lý, nhân viên xử lý môi trường... Hiện TP đang cử người xuống để có thể giúp làm các công việc này. 

{keywords}
TS.BS Nguyễn Trí Thức. Ảnh: Thanh Tùng.

Bác sĩ Thức cho biết, đến nay, bệnh viện đã được TP, Bộ Y tế thông qua cơ chế mua trang thiết bị cho công tác chữa trị cho các bệnh nhân. “Bộ Y tế đã cho mở kho lưu trữ của Bộ ở phía Nam. Đây là một giải pháp rất tích cực và kịp thời”, bác sĩ Thức chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đang cho vận chuyển các trang thiết bị ở nhiều nơi đưa về kho lưu trữ để chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Việc điều phối trang thiết bị ra sao, sử dụng vào việc gì sẽ do bác sĩ Nguyễn Tri Thức đảm nhiệm. “Những ngày qua, bệnh viện cũng được các nhà tài trợ quan tâm, từ trang thiết bị, thuốc, thức ăn… cho các y bác sĩ, nhân viên ở bệnh viện”, bác sĩ Thức bày tỏ sự cảm ơn. 

Mong đây là “trận đánh” cuối

Bác sĩ Thức cho biết, có rất nhiều khó khăn tại bệnh viện tuyến cuối trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nếu cứ kể ra những khó khăn thì không bao giờ đi lên được. “Khi vào môi trường này, tất cả các y bác sĩ đều quán triệt, làm việc không kể ngày giờ. Chúng tôi cũng không nghĩ đến chế độ bồi dưỡng và thành tích. Mục đích đầu tiên của chúng tôi là chữa trị cho các bệnh nhân và làm sao có nhiều ca nặng khỏi bệnh, được xuất viện về nhà", bác sĩ Thức chia sẻ. 

{keywords}
Các y bác sĩ tại bệnh viện đang chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Thanh Tùng.

Bác sĩ Thức cho biết, ông rất vui khi chỉ sau vài ngày, các y bác sĩ từ nhiều nơi đến bệnh viện làm việc đã đoàn kết một khối, đồng tâm hiệp lực và hiểu nhau. "Chúng tôi đều đồng lòng một quyết tâm, vì sức khỏe của người dân TP.HCM”, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nói.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP đang diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng nhanh và có thể chuyển nặng nhanh, TS.BS Nguyễn Tri Thức hy vọng không chỉ lực lượng y tế mà người dân, lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ… hãy hướng về mục đích sớm dập được dịch và xem cuộc chiến này sẽ là trận cuối.

Nói về tình trạng có nhiều F0 trở nặng nhanh, bác sĩ Thức cho rằng, cần chuyển những ca này về bệnh viện tuyến trên ngay để đảm bảo an toàn. 

Khi đó, các bác sĩ sẽ đánh giá và can thiệp sớm bằng các biện pháp thở oxy dòng cao và lọc máu, kịp thời ngăn bệnh nặng thêm. 

"Muốn bệnh nhân sướng thì bác sĩ phải khổ. Còn bác sĩ sướng thì bệnh nhân khổ. Vì vậy, các y bác sĩ của bệnh viện, bác sĩ khổ thế nào cũng được, nhưng bệnh nhân phải sướng", bác sĩ Thức nói.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Tú Anh

Hình ảnh bên trong bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM

Hình ảnh bên trong bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM

Bệnh viện hồi sức chữa Covid-19 lớn nhất TP.HCM với quy mô 1.000 giường là tuyến cuối để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.