Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội thông tin, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 60.192 ca Covid-19. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 (từ ngày 11/10 đến 5/1), TP có 55.885 ca mắc, trung bình 627 ca/ngày.
TP đang điều trị 35.547 trường hợp, trong đó có 123 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và 215 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cũng theo thông tin từ CDC Hà Nội, có 2.647 người đang điều trị tại các bệnh viện khác, 1.514 người điều trị tại cơ sở thu dung TP và 5.256 người tại cơ sở thu dung quận/huyện. TP đang có 25.792 người cách ly, điều trị tại nhà. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi đến nay là 42.808 người.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội |
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số hơn 4.100 F0 điều trị tại bệnh viện của Hà Nội có 2.152 F0 nhẹ không triệu chứng, 1.651 F0 ở mức trung bình và 385 F0 nặng, nguy kịch.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng thông tin, trong 385 F0 nặng nguy kịch, số F0 thở mask, gọng kính là 312 người; 21 người thở HFNC; 13 người thở máy không xâm lấn; 36 người thở máy xâm lấn và 3 người phải lọc máu.
Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 200 ca tử vong tính từ 27/4 đến nay, tỷ lệ tử vong/số mắc là 0.3%. So với số ca tử vong chung cả nước hằng ngày (liên tục trên 200 ca/ngày trong tháng 12-2021 và những ngày đầu năm 2022), Hà Nội vẫn giữ được số ca bệnh chuyển nặng, số ca tử vong ở mức thấp.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội - cho biết phần lớn bệnh nhân Covid-19 trở nặng và tử vong thời gian vừa qua tại bệnh viện có điểm chung là tuổi cao, chưa tiêm vắc xin và có bệnh nền.
PGS.TS Hải cho biết thêm, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này cũng khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây. Cụ thể, giai đoạn bùng dịch ở TP.HCM, Bình Dương, các F0 nặng, nguy kịch đa dạng ở lứa tuổi, với điểm chung là chưa được tiêm vắc xin. Ca nặng, tử vong có cả người trẻ, khoảng 30-40 tuổi. Ở giai đoạn hiện nay, do được phủ vắc xin nên các trường hợp nặng, nguy kịch chủ yếu là người già, có bệnh nền và phần lớn chưa tiêm vắc xin.
Do số ca mắc tiếp tục leo thang, Hà Nội đã cử thêm lực lượng tham gia quản lý F0 điều trị tại nhà. Theo đó, bên cạnh các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành sẽ cùng tham gia quản lý bệnh nhân Covid-19 chăm sóc, điều trị tại nhà.
Cụ thể, 28 nhóm y bác sĩ thuộc Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hoạt động từ ngày 17/12, thăm hỏi và tư vấn cho F0, hỗ trợ y tế cơ sở. Mỗi nhóm có một bác sĩ quản lý, 7-10 bác sĩ tư vấn; mỗi bác sĩ tư vấn sàng lọc khoảng 40-50 F0 mới một ngày. Từ ngày 17 đến 30/12/2021, 28 nhóm y bác sĩ đã thực hiện 29.741 cuộc gọi, trong đó 17.105 cuộc kết nối thành công. Họ sàng lọc, thăm khám, tư vấn, hỗ trợ 11.147 trong tổng số 16.653 F0 tại nhà, tỷ lệ 66,93%.
Khi F0 gọi đến tổng đài 1022, người trực lưu số liên hệ và thông tin cơ bản. Sau đó, bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành gọi lại, sàng lọc, hỏi họ tên, năm sinh, địa chỉ, tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền... để đánh giá nguy cơ. Nếu F0 có 3-4 yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ báo y tế địa phương để hỗ trợ, chuyển cấp cứu kịp thời.
Ngọc Trang
Ngày 6/1, Hà Nội vượt ngưỡng 2.700 ca Covid-19 mới
Sở Y tế Hà Nội ngày 6/1 công bố 2.716 trường hợp Covid-19 với 720 ca cộng đồng. Đây tiếp tục là kỷ lục mới về số nhiễm ghi nhận trong ngày tại Thủ đô.
Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc
Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây. Vì vậy phương pháp điều trị cũng thay đổi để phù hợp, hiệu quả hơn.