Nam bệnh nhân Nguyễn Cao C., 39 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện khám do đau bụng suốt 2 ngày và ngày càng tăng, không rõ nguyên nhân.
Tuyến dưới nghi ngờ có dị vật đường tiêu hoá nên chuyển xuống BV đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị tiếp trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, ấn có phản ứng thành bụng.
Bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, cắt lớp vi tính dựng hình có thuốc cản quang, phát hiện có dị vật bằng kim loại dài khoảng 4 cm đâm xuyên thành dạ dày, gan trái.
Chiếc kim được lấy ra (ảnh trái) và hình ảnh chiếc kim xuyên gan, dạ dày
Phần dị vật trong lòng dạ dày chỉ còn khoảng 0,2 cm, rất khó để gắp dị vật qua đường nội soi dạ dày
Xác định đây là trường hợp phức tạp, ekip cấp cứu can thiệp phẫu thuật gấp, vì sợ để lâu, dị vật sẽ tiếp tục di chuyển đâm thủng cơ hoành vào màng phổi, màng ngoài tim, gây nguy hiểm tính mạng.
Kíp phẫu thuật bao gồm BS Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, BS Nguyễn Mạnh Linh, BS Nguyễn Minh Hải gây mê hồi sức thực hiện.
Khi thăm dò nội soi, bác sĩ gắp ra chiếc kim khâu dài 4 cm, đường kính 1 mm, sau đó khâu lại lỗ thủng dạ dày, lau rửa ổ bụng và dẫn lưu.
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân được điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp, các chỉ số huyết động ổn định, vết mổ khô, có thể ngồi dậy vệ sinh cá nhân. Dự kiến bệnh nhân có thể ra viện vào đầu tuần tới.
Bản thân anh C. không nhớ nuốt hay nằm phải kim khâu vào lúc nào và ở đâu.
BS Linh cho biết, đây là trường hợp nuốt kim khâu rất hi hữu. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, kim khâu sẽ tiếp tục di chuyển đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong.
Do đó người dân cần hết sức lưu ý khi sử dụng kim khâu, cần phải tìm lại đủ số kim sau khi dùng. Nếu vô tình người thân nuốt phải kim, cần nhanh chóng đến cơ sơ y tế kiểm tra, nội soi tiêu hóa lấy dị vật càng sớm càng tốt.
Thúy Hạnh
Bác sĩ kể hành trình mò kim trong ngực bé gái 3 tuổi
- Chiếc kim nằm trong lồng ngực bé gái 3 tuổi. Bài toán đặt ra làm sao có thể lấy kim nhưng không cần mở ngực của bệnh nhi.