Bệnh nhân nữ, 26 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng da mặt bị bỏng, phù nề, đỏ thẫm, ngứa rát.

Qua khai thác bệnh sử, người này cho biết mình bị trứng cá và nám da đã nhiều năm. Ngày 6/7, bệnh nhân nghe bạn giới thiệu, lên mạng mua thuốc lột da (peeling collagen) không rõ nguồn gốc, mục đích để lột hết mụn và nám trên mặt.

Sau khi bôi 1 ngày, toàn bộ da mặt bị bỏng, phù nề và có cảm giác rát, ngứa vô cùng khó chịu. Quá sợ hãi, bệnh nhân đã tìm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Bs.CKII. Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng khoa Laser và săn sóc da – Bệnh viện da liễu trung ương thông tin, bệnh nhân được chẩn đoán viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do hoá chất.

{keywords}
Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi

Các bác sĩ xác định hướng điều trị cho bệnh nhân là phải ngay lập tức dừng sản phẩm bôi, đồng thời chăm sóc da, sử dụng các sản phẩm làm dịu da, các thuốc bôi, uống và một số công nghệ ánh sáng phục hồi da. 

Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, người bệnh đã không còn cảm giác bỏng rát, da mặt hết phù nề, giảm đỏ; lớp da bị bỏng đã bong tróc để lại nền da màu hồng. Hiện bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc theo đơn điều trị.

Bác sĩ Thành cho biết, trường hợp này cần tuyệt đối tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, sau khi phục hồi làn da bị tổn thương do bôi thuốc sẽ tiến hành điều trị mụn trứng cá và rám má.

Được biết, đây là một trong số nhiều trường hợp phải tới điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương do các biến chứng nghiêm trọng khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi.

BS. Đỗ Thiện Trung - Phó Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc gây tác hại mạnh tới làn da của người sử dụng.

Nguyên nhân là bởi để có lợi nhuận, tác dụng nhanh, dễ đánh lừa người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua.

Những chất này gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới, khiến nhiều người sau khi sử dụng bị dị ứng, mẩn ngứa, nổi mụn thậm chí làm cho tình trạng da bị rám nặng hơn.

“Sau khi dùng các sản phẩm này, thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian sau, người bệnh sẽ bị biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng. Điều trị các trường hợp này vô cùng khó khăn”, bác sĩ Trung chia sẻ.

{keywords}
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bs.CKII. Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo, khi sức khỏe làn da có vấn đề, người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa đã được cấp phép, gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, người dân nên chọn mua sản phẩm làm đẹp đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm chứng bởi các cơ quan có thẩm quyền, tránh các hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Thành cũng đưa ra lời khuyên, khi bắt đầu sử dụng sản phẩm chăm sóc da mặt, bạn nên bôi thử sản phẩm. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn sẽ không bị dị ứng với sản phẩm.

"Có thể thử bằng cách thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay, sau đó để trong 24 – 48 giờ. Nếu vượt quá thời gian trên mà vùng da thoa thuốc không biểu hiện mẩn đỏ, phát ban, nổi mụn, ngứa, bong da hay đau rát (một số người có thể buồn nôn, khó thở) thì chứng tỏ bạn không bị dị ứng với mỹ phẩm đó”, bác sĩ Thành tư vấn.

Nếu gặp bất kỳ triệu trứng của dị ứng, bạn phải ngừng sử dụng ngay lập tức và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nguyễn Liên

Ca mổ song sinh dính liền thành công, 2 bé sức khỏe ổn định

Ca mổ song sinh dính liền thành công, 2 bé sức khỏe ổn định

18h40, hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được đưa ra khỏi phòng mổ sau 12 tiếng đồng hồ phẫu thuật. Cuộc đại phẫu có sự tham gia của gần 100 y bác sĩ, nhân viên y tế và các chuyên gia tư vấn.