Các bác sĩ BV Nhi Trung ương vừa thực hiện phẫu thuật tim thành công cho bệnh nhi Nguyễn Minh H., ở Nam Từ Liêm, Hà Nội mới 8 giờ tuổi. Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc Tứ chứng Fallot được can thiệp tim mạch tại Việt Nam.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc TT Tim mạch trẻ em cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh từ trước khi sinh. Ngay khi chào đời ngày 13/5 tại BV Phụ sản Hà Nội, bé rơi vào tình trạng nguy kịch, lập tức được chuyển sang BV Nhi Trung ương cấp cứu khi liên tục xuất hiện các cơn tím tái, tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn, ôxy trog máu chỉ còn 40%.

Bác sĩ đã dùng phối hợp nhiều thuốc vận mạch liều cao, dùng máy thở, cấp cứu ngừng tuần hoàn rất nhiều lần nhưng tình trạng không cải thiện.

{keywords}

Bác sĩ khám lại cho bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh: T.Hạnh

 

Trẻ được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh Tứ chứng Fallot có kèm theo tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và ống động mạch đã đóng.

TS Trường cho biết, Tứ chứng Fallot là căn bệnh hiếm gặp, kết hợp 4 khuyết tật của quả tim cùng lúc khiến cơ thể không đủ oxy. Đây là khuyết tập hết sức nghiêm trọng, xuất hiện từ thời kỳ bào thai. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp chỉ tím tái mức độ trung bình và sẽ phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng.

Tuy nhiên bé H. lại có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi nên bé vừa chào đời đã tím tái nghiêm trọng, suy hô hấp sau sinh, đe doạ tính mạng. Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội đã phải đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục trên đường chuyển bé sang BV Nhi Trung ương.

Tiên lượng ban đầu, bác sĩ đánh giá kể cả khi phẫu thuật thành công, tỉ lệ tử vong cũng rất cao do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề, đòi hỏi các bác sĩ hồi sức cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành hồi sức tim mạch cũng như hồi sức sau mổ.

Xác định đây là ca mổ khó song các bác sĩ vẫn quyết định can thiệp cho bé. 23h ngày 13/5, bệnh nhi được chuyển từ phòng hồi sức xuống phòng mổ nhưng mất gần 2 giờ mới có thể gây mê được do tình trạng của bé quá nặng, đặt đường theo dõi xâm nhập khó khăn.

Ca mổ căng thẳng kéo dài suốt 5 giờ, TS Trường cùng ekip dồn sức sửa chữa quả tim. Tuy nhiên sau mổ, sức khoẻ bệnh nhi xấu đi từng giờ.

Từ 4h ngày 14/5, tình trạng trẻ rất xấu, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn, chỉ định can thiệp ECMO (hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể).

“Bé nặng 3,5 kg nhưng tất cả các bộ phận chưa trưởng thành. Trẻ còn quá non nên sau phẫu thuật gặp hàng loạt biến chứng như rò rỉ mao mạch khiến trẻ bị phù, huyết áp tưới máu không đảm bảo, trẻ cũng gặp biến chứng cung lượng tim thất gây co mạch và biến chứng tăng áp lực động mạch phổi…”, TS Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa chia sẻ.

{keywords}

Bố mẹ bé H. tặng hoa cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống bệnh nhi. Ảnh: T.Hạnh

 

TS Tùng cho biết, do tiên lượng trước các biến chứng nên ngay sau mổ, bác sĩ không đóng ngực ngay mà để mở giúp quả tim không bị chèn ép, nếu có vấn đề gì có thể cấp cứu kịp thời.

Dù được can thiệp ECMO nhưng trẻ vẫn không đáp ứng vận mạch. Cuối cùng, bác sĩ phải đưa bệnh nhi xuống phòng can thiệp tim mạch, thông tim chẩn đoán đánh giá giải phẫu động mạch phổi và loại trừ các căn nguyên gây tăng áp lực động mạch phổi.

Sau 4 ngày sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO nhưng vẫn phải để hở ngực do huyết động chưa thực sự ổn định, kèm theo tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ.

Sau 8 ngày sau phẫu thuật, trẻ được đóng ngực và được tiếp tục hồi sức tích cực, thở máy trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim... 

Đến hôm nay, sau 41 ngày hồi sức tích cực với sự nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ, bệnh nhi tự thở tốt sức khoẻ ổn định, tim hoạt động giống tim bình thường, áp lực động mạch phổi đã trở về bình thường và sẽ được xuất viện trong ngày mai.

Theo BS Trường, tỉ lệ trẻ bị tim bẩm sinh chiếm từ 0,8 – 1,5% trong số các trẻ sinh ra. Trong số các trẻ bị tim bẩm sinh, Tứ chứng Fallot chiếm khoảng 15%, có liên quan bất thường nhiễm sắc thể số 12.

Dù vậy, nếu được can thiệp, có tới 98% bệnh nhi mắc hội chứng này sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Theo thời gian, sẽ khoảng có 10-15% bệnh nhi phải mổ lại do teo van động mạch phổi, giãn tim phải…

Thúy Hạnh

Sinh non nặng vẻn vẹn 450 gam và 'không có ruột', cậu bé vẫn sống sót kỳ diệu

Sinh non nặng vẻn vẹn 450 gam và 'không có ruột', cậu bé vẫn sống sót kỳ diệu

Cậu bé chỉ nặng 450 gam khi chào đời, từng chỉ còn cơ hội sống chưa đầy 1% hiện nay đã vượt qua cơn nguy hiểm và rất khỏe mạnh.