Nam thanh niên 20 tuổi, tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng tê bì toàn bộ chân tay, yếu tứ chi.
Người này cho hay, gần đây, anh bị tê 2 chân trước, sau đó tê cả 2 cánh tay. Vì thế, anh không thể đi lại và sinh hoạt bình thường.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ phát hiện nam thanh niên bị tổn thương tuỷ sống, yếu tứ chi. Không chỉ vậy, qua chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị tổn thương tuỷ ở vùng cổ.
Khai thác kỹ tiền sử, người này chia sẻ, thời gian gần đây, anh thường xuyên dùng bóng cười, mỗi ngày hít tới 3 quả.
Bác sĩ Lương Văn Chương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong bóng cười có chứa khí N2O (khí cười). Loại khí này được dùng hạn chế trong một số lĩnh vực y tế với tác dụng giảm đau, giải lo âu. Khi sử dụng quá liều, khí này sẽ gây hại đến hệ thần kinh và tim mạch.
Bác sĩ Chương phân tích, khí cười hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái. Bởi vậy, giới trẻ hay hít bóng cười để tìm cảm giác mới lạ.
Khí N2O trong bóng cười khi đi vào cơ thể thường gây tổn thương ở vùng tuỷ cổ, dẫn đến tình trạng yếu tứ chi, có thể gây tàn phế đến suốt đời.
Với trường hợp bệnh nhân nói trên, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thời gian dài bằng vitamin B12, kết hợp phục hồi chức năng.
Bác sĩ Chương khuyến cáo, người dân không nên sử dụng bóng cười để tránh những hậu quả khôn lường.
Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công thương, quy định tại Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; ban hành theo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất của Chính phủ.
Do đó, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.
Nguyễn Liên