Dậy thì là giai đoạn phát triển sinh lý bình thường của cơ thể – chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng dậy thì sớm ở trẻ diễn ra rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
Theo BS Phạm Thị Thu Hạnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, khám tầm soát và điều trị bệnh lý dậy thì sớm là biện pháp quan trọng không chỉ giúp phát hiện bệnh mà còn đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Tuổi dậy thì thường bắt đầu ở bé gái từ 8 và 12 tuổi và ở các bé trai từ 9 và 14 tuổi. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).
Ở bé gái có các dấu hiệu như sau:
- Tuyến vú phát triển, sau đó là lông mu, lông nách xuất hiện. Khi tuyến vú phát triển, núm vú nổi lên ở 1 hoặc 2 bên, sau đó núm vú to lên rõ rệt, quầng vú thẫm màu dần.
- Tuyến vú phát triển hoảng 2 – 3 năm thì kinh nguyệt có thể xuất hiện.
- Bộ phận sinh dục có thể phát hiện thấy lông mu hoặc không.
- Niêm mạc âm hộ hồng và ẩm hơn, có thể xuất hiện ít khí hư.
- Mụn trứng cá có thể xuất hiện.
- Chiều cao tăng vọt so với bạn bè cùng trang lứa.
Ở bé trai:
- Tăng thể tích của tinh hoàn, chiều dài tinh hoàn trên 2,5cm; thể tích tăng trên 4ml.
- Dương vật và bìu phát triển, xuất hiện lông mu.
- Cơ thể lớn nhanh, xuất hiện trứng cá, giọng trầm, mọc râu.
- Chiều cao tăng vọt so với bạn bè cùng trang lứa.
BS Phạm Thị Thu Hạnh nhấn mạnh, để đảm bảo phát hiện bệnh sớm, phụ huynh nên theo dõi sức khỏe trẻ kỹ càng. Nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, gia đình nên đưa trẻ đến khám và tư vấn để có thể can thiệp điều trị sớm.
Dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời khiến bé gái khi trưởng thành chiều cao có thể thiếu hụt 12 cm, với bé trai khoảng 20 cm so với chiều cao chuẩn. Theo các bác sĩ, dậy thì sớm cũng là một trong những dấu hiệu thể hiện sự bất thường trong cơ thể trẻ.
Bệnh viện Nhi trung ương cũng khuyến cáo, các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp vào thời điểm đó, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
Bé gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Tại bệnh viện, trẻ được khám và chỉ định làm các xét nghiệm máu, siêu âm vùng chậu, ngực, chụp X-quang xương cổ - bàn tay. Tùy theo kết quả sẽ tư vấn làm thêm xét nghiệm và chụp MRI sọ não để chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm.
Ngoài ra, cung cấp chế độ ăn uống khoa học, vui chơi lành mạnh cho trẻ cũng là việc gia đình lưu ý để tránh nguy cơ dậy thì sớm. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, những thực phẩm làm tăng nguy cơ trẻ dậy thì sớm, cần tránh gồm: thịt cổ gia cầm; rau củ trái mùa; thực phẩm chiên, rán; đồ ăn nhiều muối; nội tạng động vật; sữa đậu nành; đồ ăn sẵn và thuốc bổ.
Phương Lê
8 thực phẩm có thể gây dậy thì sớm phụ huynh nên lưu ý
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các loại thực phẩm có thể gây dậy thì sớm là thực phẩm chiên, rán; nội tạng đồng vật; sữa đậu nành, đồ ăn sẵn…