Ca sĩ Vân Quang Long vừa qua đời đột ngột ở tuổi 41 do đột quỵ. Đây là thông tin khiến bạn bè và người hâm mộ vô cùng bàng hoàng. Cách đây 3 tuần, nghệ sĩ Chí Tài cũng đã qua đời vì căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ, 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong, 90% để lại di chứng, nhiều người mất khả năng lao động.
3 nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ
Trước đây, đột quỵ hay gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi nhưng nhiều năm trở lại đây, đột quỵ ngày càng trẻ. Thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ người trẻ đột quỵ tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới, rất nhiều trường hợp 20-30 tuổi đã mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ dưới 44 tuổi, tỉ lệ này tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là 17%. Bệnh nhân trẻ nhất điều trị tại 2 bệnh viện mới 12-14 tuổi.
Đáng lưu ý, nhóm bệnh nhân đột quỵ trẻ thường chủ quan, nghĩ mình khoẻ không thể mắc bệnh nên không có các biện pháp phòng ngừa và không trang bị kiến thức xử lý khi bị đột quỵ.
Một nam thanh niên bị đột quỵ được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu
TS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, với người trẻ, nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ là do dị dạng mạch máu não. Đột quỵ thể nhồi máu não ở người trẻ ít gặp, mỗi năm chỉ vài trường hợp trên tổng số hơn 3.000 ca điều trị.
Theo TS Tuyến, dị dạng mạch máu não thường do bẩm sinh hoặc hình thành sau nhiều năm. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình – với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch – nhồi máu não.
Tuy nhiên đa số dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, rất nhiều trường hợp phát hiện ra khi đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc thăm khám điều trị bệnh khác. Một số ít có biểu hiện đau đầu tái diễn trước khi vỡ.
Khi bị vỡ dị dạng mạch não, các triệu chứng khá ồ ạt với biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể rối loạn ý thức, liệt nửa người... Một số trường hợp có thể đột tử trước khi đến viện.
Dị dạng mạch não gồm nhiều loại với nhiều vị trí, kích thước, tuỳ từng ca cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau.
Hiện tại chưa có biện pháp dự phòng dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.
Vì vậy, những người trẻ nên ít nhất một lần kiểm tra mạch máu não với chi phí chỉ từ 1,9- 2,5 triệu đồng.
Nguyên nhân thứ hai gây đột quỵ ở người trẻ là tăng huyết áp, đái tháo đường. Khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ có liên quan đến đái tháo đường và 10% bị tăng huyết áp.
Nguyên nhân thứ 3 do lối sống không lành mạnh bao gồm lạm dụng rượu bia, hút thuốc, lười vận động, béo phì…
Trong đó khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá, những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não.
Thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc, khi vào cơ thể làm phá hủy các tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa, tổn thương mạch máu não.
Còn với béo phì, có khoảng 10% bệnh nhân trẻ đột quỵ mắc căn bệnh này và khoảng 50-60% bệnh nhân có liên quan đến rối loạn chuyển hoá mỡ máu do thói quen ăn uống có hại sức khoẻ như ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động…
Cách xử trí khi bị đột quỵ
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với đột quỵ, cần đưa đến viện càng sớm càng tốt. Nếu đột quỵ thể nhồi máu não, khung giờ vàng là trong 6-8 tiếng đầu tiên.
Do đột quỵ ngày càng phổ biến nên cộng đồng cần nâng cao nhận thức về đột quỵ cũng như các dấu hiệu bệnh để có thể phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời.
PGS. Tôn nói thêm, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu bao gồm: Mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút.
Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
Cần đặt bệnh nhân đột quỵ nằm nghiêng sang một bên để tránh bị sặc
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có ít nhất một trong các dấu hiệu trên, thậm chí không rõ ràng, cần lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để "cứu não".
Trong khi chờ xe cấp cứu 115, càng nhanh càng tốt cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, mặc quần áo thoáng.
Nếu bệnh nhân ngừng tim, cố gắng giữ bình tĩnh thực hiện hà hơi thổi ngạt và ép tim cho bệnh nhân trong suốt quá trình chờ xe cấp cứu đến.
Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang một bên để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi.
Bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn nuốt, liệt một bên nên tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì để tránh nghẹn, sặc đường thở dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, thậm chí tử vong.
Người dân cũng tuyệt đối không cho bệnh nhân uống An cung ngưu hoàng hoàn, vì nếu bị đột quỵ xuất huyết não sẽ làm tình trạng chảy máu càng trầm trọng hơn.
Minh Anh
Thói quen buổi sáng ở nhiều người làm tăng nguy cơ đột quỵ
Việc tỉnh dậy từ 4 - 5 giờ sáng để ra ngoài đi bộ, tập thể dục là thói quen phổ biến với nhiều người, không chỉ ở thành thị mà cả vùng nông thôn.