Tại hội nghị sơ kết triển khai đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu sáng nay tại Bắc Ninh, GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế cho biết, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Việt Nam đang có hơn 300.000 người đang sống chung với ung thư, số ca mắc mới tăng theo từng năm, riêng năm 2018 có 165.000 ca mắc mới, 115.000 ca tử vong.
GS Nguyễn Viết Tiến đánh giá, Việt Nam đã triển khai được nhiều kĩ thuật hiện đại ngang tầm thế giới trong lĩnh vực ung bướu |
Theo Thứ trưởng, cách đây 20 năm, cả nước chỉ có 3 BV chuyên ngành và 14 khoa ung bướu, đáp ứng được 30% nhu cầu khám và điều trị.
Cách đây 5-6 năm, tại BV K vẫn còn tình trạng quá tải trầm trọng, công suất giường luôn trên 300%, 3-4 bệnh nhân nằm ghép/giường.
Nhờ triển khai dự án bệnh viện vệ tinh và mở rộng thêm nhiều cơ sở mới, đến năm 2019, cả nước đã có 8 bệnh viện ung bướu, 69 trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân, chất lượng khám bệnh tốt hơn, người dân hài lòng hơn.
Ngoài ra hiện nay, rất nhiều kĩ thuật khó, trong đó có chuyên ngành ung thư đã được các bác sĩ Việt Nam triển khai ngang tầm thế giới.
“Không ít các bệnh nhân ung thư khi ra nước ngoài, kể cả các nước tiên tiến cũng được khuyên quay trở lại Việt Nam điều trị. Đó là những thành công rất đáng ghi nhận”, GS Tiến chia sẻ.
Trong 5 năm qua, nhờ truyền thông, nhận thức của người dân cũng đã thay đổi tích cực. GS Tiến cho biết, trước đây, khi bị ung thư bất kể giai đoạn nào, người dân đều coi đó là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng nhờ truyền thông, người dân thấy được rất nhiều bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt khi được phát hiện ở giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị rất cao, chứ không phải cứ mắc ung thư là tử vong.
Là BV ung bướu đầu tàu ở miền Bắc, GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, 5 năm qua, BV đã K đã thiết lập được 17 BV vệ tinh, 11 BV tham gia dự án đồng bằng sông Hồng và chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa cho 30 BV, đào tạo gần 3.000 lượt bác sĩ, chuyển giao gần 300 kĩ thuật.
Nhờ đó, rất nhiều BV tỉnh đã làm chủ được hàng loạt kĩ thuật như ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, ung thư buồng trứng. Đơn cử như tại BV Phú Thọ, trước đây tỉ lệ chuyển tuyến lên tới trên 70% nhưng hiện nay chỉ còn dưới 1%.
Nhờ bệnh viện vệ tinh, BV tuyến trung ương giảm quá tải, người dân không phải đi lại, giảm bớt gánh nặng về kinh tế.
Bác sĩ tuyến dưới sàng lọc ung thư cho bệnh nhân |
Biểu dương những thành tựu từ dự án bệnh viện vệ tinh, song Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lưu ý, mạng lưới đã có nhưng cần xây dựng ổn định, phải thường xuyên nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nếu kiến thức không được cập nhật, nâng cao thì khó hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu các BV phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến kiến thức cho người dân, để thấy ung thư không phải bệnh “bó tay”, không chữa được, mà hoàn toàn có thể phòng, tránh bằng thay đổi lối sống, sinh hoạt, không hút thuốc, uống bia rượu, tăng cường luyện tập, vận động, tiêm phòng vắc xin một số loại bệnh ung thư đã có vắc xin...
Thúy Hạnh
Ung thư gan Việt Nam xếp thứ 4 thế giới, giờ có thể triệt u không cần phẫu thuật
- Thay vì mổ mở, bác sĩ có thể sử dụng sóng viba đốt cháy khối u gan, sau 1 ngày có thể ra viện.