Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, bệnh quay lại sau 20 năm nước này công bố loại trừ bệnh sởi.

Ngay trong nước, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Tại Hà Nội, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 114 ca mắc sởi, trong đó tháng 1 có 64 ca. So với cùng kỳ năm trước, cả thành phố chỉ có 8 ca,  như vậy số ca mắc năm nay tăng hơn 14 lần. Theo thống kê, trong số những ca mắc, có tới 89,1% chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay tiếp nhận khoảng 1.000 ca mắc sởi phải nhập viện, trong đó chỉ riêng BV Nhi đồng 1, mỗi ngày đang tiếp nhận khoảng 30 trẻ, nhiều ca viêm phổi, biến chứng nặng.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, có đến 95% số ca mắc sởi nhập viện nói trên do chưa tiêm phòng vắc xin. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, tham gia phong trào bài trừ vắc xin vì sợ nguy hiểm đến con nên không tiêm phòng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi.

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...

{keywords}
Tiêm vắc xin là cách phòng sởi hiệu quả nhất


Sau sốt 3-4 ngày, các nốt ban bắt đầu nổi nhưng thường sẽ tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên có tới 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng...

Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Với trẻ em, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng.

Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.

Thúy Hạnh

Bác sĩ ám ảnh bệnh nhi bị mủn hết xương hàm, miệng bốc mùi vì kiêng cữ khi mắc sởi

Bác sĩ ám ảnh bệnh nhi bị mủn hết xương hàm, miệng bốc mùi vì kiêng cữ khi mắc sởi

Miệng bệnh nhi bốc ra mùi tương tự mùi chuột chết, chạm vào xương hàm tới đâu mủn tới đó, trơ lại mỗi lưỡi.