Bệnh nhân Nguyễn Văn C., 24 tuổi ở Hà Nội đến BV đa khoa Xanh Pôn thăm khám do sờ thấy khối lớn ở vùng hạ sườn trái và nổi hạch bẹn 2 bên. Trong vong 2 tháng, C. sụt tới 5kg, trong khi khối cứng ở cạnh sườn to liên tục gây đau tức.
Kết quả xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ kết luận, C. mắc ung thư lá lách, khối u kích cỡ lớn, được chỉ định phẫu thuật.
TS.BS Ôn Quang Phóng, đơn nguyên Ung bướu, BV đa khoa Xanh Pôn cho biết, khi phẫu thuật, bác sĩ phát hiện u lách chiếm hết nửa ổ bụng trái, nặng 2,3 kg đã bắt đầu di căn, xung quanh có nhiều hạch mạch treo lớn, hạch quanh lách, rốn gan. Khối u lớn cũng đã xâm lấn một phần đuôi tụy. Bệnh nhân được cắt toàn bộ lá lách, cắt đuôi tụy và nạo vét hạch.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, bệnh nhân bị U lympho non Hodgkin (ung thư hệ bạch huyết) biểu hiện tại lách.
5 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ăn uống, đi lại sinh hoạt bình thường và đang bắt đầu điều trị hoá chất đợt 1.
Nam thanh niên bị cắt bỏ toàn bỏ lá lách do tế bào ung thư đã bắt đầu di căn |
TS Phóng cho biết, tiên lượng điều trị của bệnh nhân rất tốt do sức khoẻ tốt và U lympho non Hodgkin đáp ứng rất tốt với hoá chất.
Theo TS Phóng, lá lách nằm trong vùng hạ sườn trái, là bộ phận lớn nhất của hệ bạch huyết, đóng vai trò lọc máu, chống nhiễm trùng, lưu trữ tế bào máu cho cơ thể.
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, lách có chiều dài từ khoảng 7 -14 cm, trọng lượng từ 150 - 200 gram. Tuy nhiên ở bệnh nhân C. do tế bào ác tính hình thành tại lá lách nên kích thước lách nhân lên không ngừng, gấp hơn 10 lần bình thường.
Nhìn chung, ung thư lá lách rất hiếm gặp, tại Việt Nam chưa có thống kê về ung thư này. Ung thư lách có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, trong đó ung thư lách thứ phát phổ biến hơn.
Ung thư lách nguyên phát do các tế bào ung thư phát triển từ lách. Ung thư lách thứ phát hình thành do tế bào ung thư xuất phát từ các cơ quan khác, di căn đến lách, đa số là lymphoma – u lympho và Lơ-xơ- mi (bệnh bạch cầu cấp)
TS Phóng nhấn mạnh, ở giai đoạn sớm, ung thư lách ít triệu chứng. Do đó, khi thấy những dấu hiệu như lách to, tăng kích thước; hạch bạch huyết ở háng, 2 bên cổ; đầy bụng sau ăn; đau bụng ở vị trí dưới sườn trái, lan ra khắp bụng; nhiễm trùng tái đi tái lại; xuất huyết; thiếu máu; sụt cân trên 10%; sốt; nổi hạch; ra nhiều mồ hôi hoặc ớn lạnh; đau ngực... người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt.
Để điều trị ung thư lá lách, phẫu thuật được xem là tối ưu nhất. Nghiên cứu cho thấy, đa số bệnh nhân được phẫu thuật cắt lách cần phối hợp điều trị hóa chất sau phẫu thuật. Chỉ định xạ trị chỉ được đưa ra khi khối u không thể phẫu thuật.
Trường hợp như bệnh nhân C., do phải cắt toàn bộ lá lách nên TS Phóng cho biết, bệnh nhân sẽ bị mất máu và dễ nhiễm trùng hơn nhưng không quá nghiêm trọng.
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa ung thư lá lách đặc hiệu, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa ung thư lá lách với một số bệnh mạn tính, HIV....
Vì vậy, để phòng tránh bệnh, người dân cần tránh nhiễm viêm gan C, quan hệ tình dục an toàn, tránh lây nhiễm HIV, EPV, hạn chế tiếp xúc hoá chất độc hại như chất tẩy rửa, thuốc nhuộm...
Ngoài ra, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm lượng chất béo, duy trì cân nặng hợp lý vì nghiên cứu đã chỉ ra, ăn quá nhiều dầu mỡ là nguy cơ phát triển ung thư U lympho non Hodgkin.
Thúy Hạnh
Chủ quan dấu hiệu đơn giản, nam sinh 15 tuổi mắc ung thư di căn
- Bệnh nhân 15 tuổi ở Lào Cai vẫn ăn khoẻ, ngủ khoẻ, duy chỉ thấy mệt mỏi tăng dần. Khi đi khám, ung thư đã di căn nhiều bộ phận.