Liên hệ xe cứu thương đưa F0 đi bệnh viện
Trạm Y tế lưu động số 1 phường 11, quận 3, TP.HCM được thành lập ngày 21/8. Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến, đang làm việc ở Trung tâm Y tế quận 3, được điều đến làm trưởng trạm. Mỗi ngày bác sĩ Yến phải đến nhà 9-10 F0 có dấu hiệu nặng để thăm khám, liên hệ giúp họ chuyển viện. Vừa khám cho F0, bác sĩ vừa túc trực điện thoại để tư vấn từ xa cho các tình nguyện viện đang hỗ trợ cho F0 khác.
11h30 trưa 23/8, vừa khám cho một F0 xong, bác sĩ Yến nhận được cuộc gọi của điều dưỡng báo, có một nữ F0, 28 tuổi đang chuyển nặng, cần bác sĩ đến can thiệp gấp. Thuốc, máy đo SpO2, đồ bảo hộ, găng tay, cồn xịt khuẩn… đã để sẵn trong cốp xe máy, bác sĩ Yến nhanh chóng khử khuẩn rồi chạy ngay về trạm để tình nguyện viên đưa đến nhà người bệnh.
Bác sĩ Yến đi xe máy đến nhà điều trị cho F0. Ảnh: Thanh Phương. |
Người nhà cho biết, ngoài mắc Covid-19, nữ bệnh nhân còn bị suy nhược cơ thể, hạ kali trong máu phải điều trị thường xuyên tại Bệnh viện An Sinh. Dù không sốt, khó thở, nhưng chị ăn không được, hoặc ăn vào là nôn ra hết.
Chờ bác sĩ Yến khám xong, người nhà nữ bệnh nhân xin cho chị được chuyển đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Bệnh viện An Sinh đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân. Tuy nhiên, người nhà không thể gọi được xe cứu thương, cũng không thể tự đưa F0 đến bệnh viện vào lúc này. Họ nhờ bác sĩ Yến can thiệp giúp.
May mắn, tại Bệnh viện quận 3, một chiếc xe cứu thương vừa chở F0 đi cấp cứu về kịp. Không đầy 20 phút sau, chiếc xe đã đậu sát nhà người bệnh. Chờ đến khi nữ F0 lên xe an toàn, bác sĩ Yến mới quay về trạm ghi lại thông tin, tình trạng người bệnh vào cuốn sổ nhật ký công việc. Lúc này, đồng hồ đã chuyển sang 13h.
Mặc độ bảo hộ trước khi vào nhà F0. Ảnh: Tú Anh. |
Vừa khám vừa xoa dịu bệnh nhân
Chưa kịp ăn bữa trưa, bác sĩ Yến nhận được điện thoại báo: “Trưa nay, mẹ tôi ăn và uống sữa xong thì nồng độ oxy giảm xuống còn 89. Cứu mẹ tôi với bác sĩ ơi”. Dặn một tình nguyện viên chuẩn bị máy thở mang đến nhà bệnh nhân, bác sĩ Yến chạy xe đi ngay.
Nhanh chóng mặc bộ đồ bảo hộ, đeo găng tay, kính chống giọt bắn, bác sĩ Yến bước vào trong nhà người bệnh. F0 là bà Dương Thị Nga, 81 tuổi, nhà nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Cách Mạng Tháng Tám 8, phường 11, quận 3, có bệnh nền, cao huyết áp. Bà đã được tiêm một mũi vắc xin và nhiễm virus SARS-CoV-2 được 8 ngày. Trong nhà, ngoài bà, còn có một người con khác cũng nhiễm bệnh.
Do có bệnh nền, tuổi cao, sau một ngày có kết quả dương tính, bà Nga đã khó thở, mệt, chỉ số SpO2 thấp (còn 85%), phải thở oxy, phổi bị tổn thương. Do bình oxy nặng, di chuyển khó khăn, con trai bà phải để giường bệnh của mẹ ở phòng khách. 1 chiếc máy thở, 3 bình oxy lớn đặt bên cạnh giường bà nằm. “Mấy ngày đầu, mẹ tôi phải thở oxy liều cao. Nhờ có nguồn oxy tốt, uống được thuốc, sức khỏe mẹ tôi đỡ nhiều rồi. Hôm nay, ăn trưa xong, tôi cho mẹ ngồi dậy một chút thì bà kêu mệt, khó thở, oxy giảm”, con trai bà Nga chia sẻ.
Bác sĩ Yên đang đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Phương. |
Sau khi nghe người nhà nói sơ qua về tình hình của F0, bác sĩ Yến nhanh chóng đo huyết áp, đo nồng độ oxy trong máu, nghe phổi của bệnh nhân và nhẹ nhàng hỏi: “Bà thấy trong người sao rồi ạ”.
“Tôi thấy đau, không ngủ được. Bác sĩ cho tôi thêm thuốc đi”, giọng bà Nga yếu ớt. Bác sĩ Yến đáp: “Con đã cho bà thuốc rồi. Bà hít sâu, thở đều vào cho con xem đi”. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ, bà Nga thấy khỏe hơn một chút và cũng không còn khó thở nữa.
“Chú cố gắng xoa bóp chân tay và tập thở cho bà. Mỗi ngày, chú cố gắng cho bà đi lại một chút sẽ tốt hơn”, bác sĩ Yến dặn con trai bà Nga.
Giọng bà Nga lo lắng: “Tôi sắp khỏi chưa bác sĩ ơi. Sao tôi thấy còn mệt quá”. Nhìn vào máy SpO2, bác sĩ Yến mỉm cười: “Chỉ số SpO2 của bà lên được 95% rồi. Bà cũng chỉ còn thở oxy 5 lít/phút thôi. Bà còn phải điều trị 3-4 ngày nữa thôi. Uống hết chỗ thuốc này bà sẽ khỏi. Bà chịu khó ăn uống, tập thở, vận động cho mau khỏi nhé”.
Động viên người bệnh. Ảnh: Thanh Phương. |
Bác sĩ Yến cho biết, bà Nga là một trong những người lớn tuổi có phản ứng tích cực trong quá trình điều trị bệnh. Hiện phổi, chỉ số SpO2 đang có chiều hướng tốt. “Tôi hy vọng, các thông số bệnh của bà những ngày tới sẽ tốt hơn và bà sẽ nhanh có kết quả xét nghiệm âm tính”, nữa bác sĩ hi vọng.
Kiểm tra máy thở, bình oxy cho cụ bà và dặn kỹ người nhà cách bổ sung dinh dưỡng, tập thở cho người bệnh thêm một lần nữa, bác sĩ Yến mới yên tâm quay trở lại trạm. Một số điện thoại khác gọi tới, vị bác sĩ lại lập tức lên đường, tay cầm theo túi thuốc phát cho người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện TP đang có 41.955 F0 đang cách ly, theo dõi tại nhà, trong đó có 21.093 người cách ly tại nhà ngay từ đầu và 20.862 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Trạm Y tế lưu động là mô hình do Bộ Y tế sáng lập, áp dụng đầu tiên tại TP.HCM để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh nhân Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Trước khi ra về, bác sĩ Yến dặn kỹ người nhà cách bổ sung dinh dưỡng, giúp F0 tập thở, vận động nhẹ nhàng. Ảnh: Tú Anh. |
Bác sĩ Yến cho biết, số lượng F0 điều trị tại nhà đông, trong khi bác sĩ và điều dưỡng ít. Vì vậy, ngay từ khi trạm mới thành lập, chị đã hướng dẫn cho các tình nguyện viên kỹ thuật đo chỉ số SpO2, cách gắn máy thở như thế nào, cho F0 thở oxy ra sao để khi nhận được cuộc gọi, nếu bác sĩ đang bận ca khác họ có thể đến hỗ trợ cho người bệnh. Còn chị chịu trách nhiệm theo dõi những người có triệu chứng nặng cần phải hỗ trợ thở, cấp cứu hoặc liên hệ để đưa đi bệnh viện.
“Trạm chỉ có mình tôi là bác sĩ, nhiều F0 mới nhiễm bệnh nhưng diễn biến nặng rất nhanh, nếu để họ đợi mình thì không được. Trong trường hợp, F0 có dấu hiệu nặng, nếu tôi đang ở nhà F0 khác, các tình nguyện viện sẽ gọi điện để tôi hướng dẫn từ xa các thao tác cấp cứu cơ bản rồi tôi chạy đến sau”, bác sĩ Yến chia sẻ.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Tú Anh – Thanh Phương
Người sơn móng tay có đo được SpO2?
Khi đo SpO2, bạn cố gắng không cử động trong vòng 1 phút. Bởi theo bác sĩ, yếu tố có thể làm sai lệch độ chính xác của máy đo SpO2 là người bệnh cử động nhiều, người đo SpO2 có sơn móng tay...
Khả năng diễn biến dịch Covid-19 ở TP.HCM sau ngày 25/8
GS. Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội, đưa ra nhận định về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM.