Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hiện nay, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con, trong khi đó mức sinh thay thế là 2,1. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cũng như tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

{keywords}

Áp lực kinh tế, chăm sóc con cái khiến nhiều phụ nữ ngại sinh con. Ảnh: Liên Anh

Từ năm 2000 đến năm 2019, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 con so với năm 2019 là 1,39 con), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24 con, xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2008 (1,63 con) và năm 2013 (1,68 con).

Trên thực tế, vấn đề mức sinh thấp ở TP.HCM đã được báo động từ nhiều năm nay khi tình trạng nhiều gia đình trẻ chỉ dừng lại ở việc sinh 1 con và không có ý định sinh thêm con thứ 2. Tuy nhiên, cho đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra phương án hiệu quả để khuyến khích gia tăng mức sinh.

Điều này đặt ra nhiều thách thức về vấn đề nhân khẩu học trong bối cảnh già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cũng như tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Người trẻ ngại sinh con

Kết hôn đã 3 năm nhưng vợ chồng chị Phạm Thanh Hằng (30 tuổi, ngụ quận BìnhThạnh, TP.HCM) vẫn chưa quyết định sinh con.

Chị Hằng chia sẻ, ở tỉnh lên thành phố lập nghiệp nên cả hai vợ chồng đợi thêm vài năm nữa mua được nhà sẽ sinh em bé.

“Sinh con có nhiều thứ phải lo, từ ăn uống, học hành tới cách giáo dục con. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định sinh một con và dự định thêm khoảng 1-2 năm nữa mới tính chuyện đó”, chị Hằng nói.

Không chỉ áp lực về nhà ở mà nhiều người trẻ tại các khu vực đô thị cũng bị mắc kẹt giữa việc làm và nuôi dạy con.

Có kinh nghiệm làm y tá nhiều năm tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM nhưng từ khi sinh con, chị L.T.P.T (36 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) phải nghỉ việc ở nhà để chăm con.

“Nếu tiếp tục công việc thì tôi buộc phải thuê người giữ trẻ, tuy nhiên, để thuê được một người mình tin tưởng và an tâm cũng không đơn giản. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định bàn với chồng, tôi nghỉ việc để tiện chăm sóc con, chờ con lớn chút nữa thì quay trở lại với công việc”, chị T. bày tỏ.  

Không chỉ những người đã lập gia đình, nhiều bạn trẻ đang làm việc tại TP.HCM cho biết cũng rất ngại việc kết hôn và sinh con với lý do muốn thăng tiến trong sự nghiệp, nuôi con quá vất vả.

Chị Nguyễn Huỳnh Như (25 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) chia sẻ, dự định đến năm 30 tuổi mới kết hôn. Tuy nhiên, khi hỏi về việc sinh con, chị cho biết rất ngại có em bé.

“Trong thời hiện đại, ai cũng phải tất bật với công việc. Tôi nhận thấy, một người phụ nữ khi sinh con phải bỏ ra khoảng thời gian 2-3 năm mới có thể chăm sóc con một cách trọn vẹn nhất. Với mức độ công việc hiện tại, tôi thấy mình không đủ thời gian để lo cho con. Vì vậy, tôi quyết định khi nào ổn định về kinh tế thì sẽ sinh con. Bởi khi đã có con thì mình phải có trách nhiệm đảm bảo tốt nhất cho con về mọi mặt từ sức khỏe, giáo dục đến vui chơi”, chị Như nói.

{keywords}

TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Ảnh: Liên Anh

Đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực

Theo các chuyên gia, tình trạng già hóa dân số ở TP.HCM sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Tương lai gần, một người trẻ ở TP.HCM sẽ đối diện với vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại. Đây là một trong những bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong những năm sắp tới.

Về nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cho biết, áp lực cuộc sống khiến nhiều người không chỉ sinh muộn, sinh ít con mà còn không muốn sinh con.

Bên cạnh đó, tình trạng nạo phá thai, tỷ lệ vô sinh (chiếm 7,7%) có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều cặp vợ chồng không thể sinh con.

Theo ông Trung, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia chỉ ra rằng, mức sinh thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cụ thể, khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn, nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Các quốc gia này phải thực hiện rất nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực lao động từ các quốc gia khác. Với thực trạng mức sinh thấp như hiện nay, trước hết, hệ lụy sẽ là vấn đề già hóa dân số diễn ra rất nhanh.

Trong tương lai, việc già hóa dân số sẽ khiến TP.HCM phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực, giảm quy mô tiêu dùng, tiết kiệm.

Thêm vào đó là áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như bảo hiểm y tế, chế độ chăm sóc sức khỏe, lương hưu, trợ cấp xã hội… Đây là rào cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trung cho rằng, nếu TP.HCM lựa chọn chủ động để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cho thành phố thì chi phí thực hiện sẽ gây áp lực lớn cho nguồn ngân sách của thành phố trong tương lai.

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp hiện nay, ông Trung cho biết, vừa qua, TP.HCM cũng đề xuất chính sách khuyến khích phụ nữ tại TP.HCM sinh con. Cụ thể, đối với người cư trú trên địa bàn TP.HCM khi sinh con lần thứ hai sẽ được hỗ trợ kinh phí khi sinh con. Đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con sẽ được hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông nhằm vận động từng người dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ 2 con nhằm duy trì mức sinh hợp lý.

Liên Anh

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp để tăng mức sinh tại 21 địa phương. Bộ Y tế cho biết, đây là bài toán khó chưa có nước nào giải được.